Cổ Điển Nho Lâm Ngoại Sử - Ngô Kính Tử

  1. Riochan

    Riochan Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    20/12/14
    Bài viết:
    60
    Được thích:
    0
    Hồi 55​


    Thêm bốn khách thuật trước nghĩ sau

    Đàn một khúc cao sơn lưu thủy

    Vào năm Vạn Lịch thứ 23[201] các danh sĩ nổi tiếng ở Nam Kinh dần dần tiêu mòn hết. Những kẻ đồng thời với Ngu bác sĩ, người thì đã già, người thì đã chết, người thì tản mát bốn phương, người thì đóng cửa không lo gì đến thế sự. Những nơi uống rượu, dạo chơi không còn có những người tài cao học rộng. Những người quân tử không còn ai lo đến lễ nhạc, văn chương. Ai thi đỗ làm quan là giỏi, ai thi hỏng là dốt. Những người giàu lại càng xa hoa, những người nghèo lại càng cực khổ. Dù văn có hay như Lý Bạch, Đỗ Phủ, phẩm hạnh có cao như Tăng Sâm, Nhan Uyên[202] cũng không ai thèm đếm xỉa đến. Ở trong các nhà những buổi lễ gia quan[203], đám cưới, đám tang, tế lễ, bọn hương thân không bàn chuyện gì ngoài chuyện ai được thăng, ai đổi đi, ai bị gọi về, ai bị giáng chức. Bọn nhà nho bần tiện tìm mọi cách để làm vừa ý các quan chấm thi. Tuy vậy ở trong đám thường dân cũng có mấy người kì lạ.

    Một người làm nghề viết chữ tên là Quý Hà Niên. Từ nhỏ, anh ta không nhà không cửa, không nghề nghiệp gì, phải vào chùa ở. Thấy Hòa thượng đánh mõ gọi các sư vào ăn, anh ta cũng xách một cái bát, đứng bên cạnh. Hòa thượng cũng không đuổi. Chữ anh ta viết rất đẹp. Anh ta không chịu học lối viết của người xưa, tự đặt ra một lối riêng, cứ viết theo hoa tay. Ai đến nhờ anh ta viết, thì từ ba ngày trước, anh ta ăn chay một ngày, rồi mài mực một ngày, và không để cho người khác mài hộ. Chỉ viết mười bốn chữ câu đối thôi, anh ta cũng mài mất nửa bát mực. Bút anh ta dùng là thứ bút đã hỏng; người ta bỏ đi. Không những thế, lúc anh ta viết, phải có bốn người giữ giấy. Hễ họ giữ giấy không nên hồn là anh ta mắng và đánh. Lại phải đợi khi nào cao hứng, anh ta mới viết, nếu đã không có hứng, thì dù có vương hầu, tể tướng, dù có chồng tiền hàng đống cho anh ta, anh ta cũng không thèm nhìn. Tính anh ta không lo chải chuốt bên ngoài, chỉ mặc một cái áo rách đi đôi giày rách. Mỗi khi viết chữ có tiền thì anh ta mua đồ ăn. Còn thừa lại bao nhiêu, anh ta đem cho những người nghèo chưa hề quen biết, không giữ lấy một đồng nào. Hôm ấy, tuyết xuống rất nhiều. Quý đi thăm một người bạn, lê đôi giày rách vào làm bẩn cả thư phòng. Chủ nhà biết tính anh ta bướng bỉnh, trong lòng không dám tỏ vẻ khó chịu, chỉ nói:

    – Ông Quý, giày của ông rách rồi, sao không mua một đôi giày mới?

    – Tôi không có tiền.

    – Nếu ông viết cho tôi một đôi câu đối, tôi sẽ mua cho ông một đôi giày.

    – Tôi có giày của tôi rồi, lấy của ông làm gì?

    Chủ nhà bực mình vì anh ta bẩn thỉu, chạy vào nhà lấy ra một đôi giày nói:

    – Mời ông đi tạm đôi giày này kẻo chân lạnh.

    Quý Hà Niên tức giận, không từ biệt đi thẳng ra cửa nói:

    – Nhà anh là nơi thế nào? Ta không được mang giày vào nhà à? Ta vào ngồi nhà anh là làm cho nhà anh thêm danh tiếng, chứ ta cần quái gì đến đôi giày của anh.

    Anh ta đi thẳng một mạch đến chùa Thiên Giới, ra vẻ tức giận. Anh ta cùng ăn cơm với vị tăng ở đấy. Ăn xong thấy trong phòng hòa thượng có một hộp mực rất thơm. Quý Hà Niên hỏi:

    – Mực này ông định dùng để viết phải không?

    Hòa thượng nói:

    – Người cháu của Thi ngự sử hôm qua đưa đến cho tôi, tôi giữ đấy để cho một thí chủ khác[204] chứ tôi không viết.

    – Để tôi viết cho một đôi câu đối.

    Và chẳng nói, chẳng rằng, anh ta đi thẳng vào phòng lấy ra một cái nghiên lớn, chọn một thỏi mực, đổ một ít nước rồi ngồi trên giường của hòa thượng mà mài mực. Hòa thượng vốn hiểu tính của anh ta nên cũng cố ý khích để anh ta viết. Đang lúc anh ta mài mực cao hứng thì một người đầy tớ vào báo:

    – Có ông Thi ở cầu Hạ Phù đến chơi.

    Hòa thượng ra đón tiếp. Người cháu của Thi ngự sử bước vào sảnh, nhìn thấy Quý Hà Niên, nhưng hai người không chào nhau, trái lại người kia lại nói chuyện riêng với Hòa thượng. Quý Hà Niên mài mực xong, lấy ra một tờ giấy, trải trên bàn, gọi bốn chú tiểu ra giữ giấy. Anh ta cầm một cái bút đã hỏng chấm đầy mực, nhìn đằng sau tờ giấy một hồi rồi viết ngay một hàng.

    Chú tiểu ở mé bên phải động đậy một cái, Quý cầm cái bút dí vào người làm chú tiểu cúi gập người xuống kêu la. Hòa thượng thấy vậy vội vàng đến. Thấy Quý rất giận dữ, hòa thượng khuyên giải và tự mình giữ giấy để anh ta viết cho xong. Người cháu của Thi ngự sử cũng đến xem, sau đó từ biệt hòa thượng. Hôm sau, một người đầy tớ nhà họ Thi đến chùa Thiên Giới gặp Quý và hỏi:

    – Ở đây có ông Quý làm nghề viết chữ không?

    – Ông muốn hỏi ông ta để làm gì?

    – Ông chủ tôi muốn mời ông ta ngày mai đến viết.

    Quý nghe vậy nói:

    – Được, hôm nay ông ta đi vng ngày mai tôi nói ông ta đến.

    Hôm sau Quý đến nhà Thi ở cầu Hạ Phù. Anh ta vừa vào cửa thì bị người giữ cửa giữ lại hỏi:

    – Ông là ai lại muốn vào đây?

    – Tôi đến đây để viết.

    Người đầy tớ ở trong nhà chạy ra thấy anh ta liền nói:

    – Té ra anh! Anh cũng biết viết à?

    Rồi đưa anh ta vào phòng khách. Cháu Thi ngự sử ở sau bình phong đi ra, Quý Hà Niên nhìn và mắng:

    – Anh là ai mà dám gọi ta đến viết. Ta không tham tiền của anh, không tham thế lực của anh, cũng không mong nhờ gì anh, tại sao anh dám gọi ta đến viết?

    Anh ta mắng nhiếc một trận làm cho người cháu của Thi ngự sử cứng họng không nói nên lời, cúi đầu bước vào. Quý mắng, một hồi nữa rồi lại trở về chùa Thiên Giới.

    *

    * *

    Lại có một người bán giấy cuốn[205] tên là Vương Thái. Ông cha ngày trước bán rau ở Tam Bài Lâu, nhưng vì người cha nghèo quá nên phải bán cả vườn đi. Từ bé, anh ta rất thích đánh cờ. Khi người cha mất đi, không có gì sinh nhai, anh ta ngày ngày đến cửa Hồ Cứ bán giấy cuốn để sinh sống. Hôm ấy, ở am Diệu Ý, gần đầm Ô Long, có cuộc hội họp. Bấy giờ đang lúc đầu mùa hạ những lá sen mới nở xoè trên mặt nước. Trong am có nhiều con đường quanh co, có nhiều đình, tạ. Du khách kéo nhau vào xem. Vương Thái đi quanh các nơi đến dưới gốc liễu, có một cái bàn đá hai bên có bốn cái ghế đá. Ở đấy có ba bốn ông quan to đứng nhìn hai người đánh cờ. Một người mặc áo màu lam nói:

    – Ông Mã của chúng ta ngày thành ở Dương Châu, đánh cờ với những người buôn muối, mỗi ván một trăm mười lạng. Ông ta được hơn hai ngàn lạng bạc.

    Một người trẻ tuổi mặc áo màu ngọc thạch nói:

    – Ông Mã là tay cao cờ nhất nước, chỉ có ông Biện là có thể địch nổi, nhưng cũng phải bớt đi hai quân. Còn chúng ta thì già đời cũng không sao theo kịp ông Biện được.

    Vương Thái cũng lách vào nhìn trộm. Người đầy tớ thấy anh ta áo quần rách rưới, lôi thôi lếch thếch, nên không cho vào. Vị quan ngồi ghế chủ nói:

    – Một người như mày thì hiểu cờ sao được.

    – Tôi cũng biết chút ít.

    Vương Thái đứng nhìn một lát rồi cười hì hì.

    Mã nói:

    – Anh dám cười à! Anh có giỏi cờ hơn chúng tôi không?

    – Có lẽ hơn.

    Người chủ nói:

    – Anh là người thế nào mà dám đọ cờ với ông Mã?

    Biện nói:

    – Hắn đã to gan, ăn nói láo lếu, như vậy, ta phải cho hắn một bài học, để sau này đừng có chõ mồm vào khi thấy các cụ nó đang chơi cờ.

    Vương Thái không từ chối, bày các con cờ ra, mời Mã đi trước. Những người đứng bên cạnh đều bật cười. Hai người vừa đi được vài nước thì Mã biết anh ta không phải tay vừa. Đi được nửa ván, Mã đứng dậy nói:

    – Tôi thua.

    Tất cả mọi người đều không hiểu gì.

    Biện nói:

    – Cứ xem thế cờ thì ông Mã hơi kém một ít.

    Mọi người kinh ngạc, giữ Vương Thái lại uống rượu, Vương Thái cười vang nói:

    – Trong đời có gì sướng hơn là đánh cờ mà được. Tôi đánh thắng, trong lòng sung sướng quá, không muốn uống rượu nữa.

    Nói xong cười khanh khách đứng dậy ra đi không quay lại nhìn.

    *

    * *

    Một người khác làm chủ một tiệm trà tên là Cái Khoan. Xưa kia anh ta làm chủ một hiệu cầm đồ. Năm hai mươi tuổi, gia đình giàu có mở hiệu cầm đồ, lại có ruộng đất và hồ ao. Bà con thân thích đều giàu có, nhưng anh ta cho họ là tục, cả ngày chỉ ngồi trong phòng xem sách, làm thơ, anh ta lại thích vẽ. Anh vẽ rất đẹp cho nên có nhiều họa sĩ và nhiều nhà thơ đến thăm.

    Mặc dầu tranh của họ vẽ không đẹp bằng tranh của mình, thơ làm không hay bằng thơ của mình. Cái Khoan vốn là người yêu quý tài năng, cho nên có ai đến thăm cũng giữ lại uống rượu. Nhà nào có lễ gia quan, cưới xin, đám ma hay có tế tự gì mà không có tiền đến mượn thì Cái Khoan không bao giờ chối từ, sẵn sàng cho hàng trăm, hàng chục lạng bạc. Những người làm công trong hiệu cầm đồ thấy vậy cho anh ta là một người ngốc, tìm cách lừa dối, vì vậy chẳng bao lâu gia tài hết sạch. Ruộng vườn mấy năm liền bị nạn lụt, mùa màng không ra gì. Có những người đến khuyên anh ta bán đi. Người mua ruộng lại cho là ruộng xấu nên chỉ trả năm sáu trăm lạng, mặc dầu ruộng kia đáng giá một ngàn lạng. Cái Khoan không biết làm sao cũng đành phải bán nốt. Bán được bao nhiêu tiền anh ta không biết dùng để buôn bán cứ đem ra tiêu dùng trong nhà. Chẳng được bao lâu, số tiền hết sạch Cái Khoan không còn gì nữa chỉ sống nhờ số hoa lợi ở đám đất bồi bên sông, không ngờ có nhiều kẻ không có lương tâm phóng hỏa vào những đống củi của anh ta để ở ngoài sân.

    Lại bị vận mệnh không may, bị mấy lần hỏa tai liên tiếp, mấy vạn bó củi ở ngoài sân đều bị thiêu hết. Những bó củi bị đốt dính vào nhau làm thành từng tảng giống như đá ở Thái Hồ, sáng ngời, lóng lánh. Những người đầy tớ đem vài cục cho anh ta xem. Thấy nó hay hay anh ta giữ ở trong nhà. Người nhà nói:

    – Đó là cái vật rủi ro, giữ nó làm gì!

    Anh ta cũng không chịu tin, giữ ở trong nhà chơi. Đầy tớ thấy không có đám đất bồi, cũng từ giã ra đi. Nửa năm sau, việc kiếm ăn hàng ngày khó khăn… Cái Khoan đành phải bán cái nhà lớn để sống trong một cái nhà nhỏ. Lại được nửa năm, người vợ chết. Anh ta lại đem bán nốt cái nhà nhỏ đi kiếm tiền chôn cất vợ. Bấy giờ, Cái Khoan đành phải đem một đứa con trai và một đứa con gái đến ở hai gian nhà trong một cái ngõ hẻo lánh và mở hiệu bán trà. Anh ta dành gian phòng trong cho hai con ở, phòng ngoài bày mấy cái bàn trà, ở mái hiên để cái hỏa lò nấu nước trà. Phía bên phải là quầy hàng, đằng sau là hai vại đựng đầy nước mưa. Sáng nào Cái Khoan cũng dậy thật sớm, nhóm lửa, quạt than, đổ nước vào lò rồi lại đến quầy hàng ngồi xem thơ, ngắm tranh. Trên quầy hàng để một cái bình cắm mấy bông hoa mới nở, bên cạnh bình hoa là mấy quyển sách cũ. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều bán hết cả, chỉ còn lại mấy quyển sách cổ này không nỡ bán. Khi nào khách vào uống trà thì Cái Khoan đặt sách xuống, bưng ấm và chén trà đến. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, cứ mỗi ấm trà được một đồng tiền. Mỗi ngày bán được độ năm sáu mươi ấm trà kiếm được năm sáu chục đồng tiền vừa đủ tiền mua gạo và mua củi.

    Một hôm, Cái Khoan ngồi trong quầy hàng, có một người láng giềng vào nói chuyện. Người láng giềng thấy đến tháng mười mà Cái Khoan vẫn còn mặc áo mùa hạ, bèn hỏi:

    – Tôi thấy ông túng thiếu quá chừng. Ngày xưa bao nhiêu người chịu ân huệ của ông nhưng ngày nay không có ai đến đây. Bà con của ông đều giàu có cả. Tại sao, ông không đến bàn với họ, vay một số vốn kha khá để kiếm kế sinh nhai?

    – Thưa cụ “thế tình ấm lạnh, lòng người đổi thay”. Ngày xưa tôi có tiền, tôi ăn mặc sang trọng, ngay đến bọn đầy tớ cũngăn mặc chỉnh tề. Bà con đến thăm tôi, không bao giờ tôi lạnh nhạt. Nhưng ngày nay tình cảnh tôi như thế này, nếu tôi đến thăm họ, dù họ không kính tôi thì bản thân tôi cũng thấy chán. Còn như cụ nói ngày xưa tôi có giúp đỡ nhiều người thì những người ấy đều nghèo cả, họ làm gì có tiền để trả lại tôi. Hiện nay họ cũng đi tìm những nơi nào có tiền chứ họ đến đây để làm gì? Nếu tôi đi tìm họ thì tôi chỉ làm phiền họ mà thôi, không ăn thua gì.

    Người hàng xóm thấy anh ta nói chua chát như vậy bèn nói:

    – Hôm nay trời mát mẻ, quán lại vắng khách, chúng ta cùng ra cửa nam chơi đi.

    – Như thế thì hay lắm. Nhưng tôi không có tiền.

    – Tôi có mang theo ít tiền đây, đủ ăn một bữa cơm.

    – Như thế thì làm phiền cụ nhiều quá!

    Cái Khoan bảo con ra coi hàng rồi cùng đi với người láng giềng ra ngoài cửa nam. Hai người ăn một bữa cơm rau trong một hiệu ăn Hồi giáo mất năm phân bạc. Sau khi trả tiền ăn, hai người đi đến chùa Báo Ân. Họ nhìn điện chính, hành lang phía Nam điện thờ Tam Tạng. Sau đó họ đi vào cửa mua một gói kẹo rồi vào trong một quán trà ở sau tháp để uống trà. Người láng giềng nói:

    – Ngày nay khác hẳn ngày xưa, người đi chơi chùa Báo Ân ít hơn trước, họ cũng mua kẹo ít hơn cách đây mười năm.

    – Cụ năm nay đã bảy mươi tuổi, chắc đã thấy nhiều việc. Ngày nay không phải như ngày xưa. Ngày xưa nếu một người biết vẽ như tôi sống trong thời Ngu bác sĩ, lúc còn những người danh sĩ thi đâu đến nỗi phải lo lắng bữa ăn. Có ai ngờ đâu việc đời đến nông nỗi này!

    – Ông không nói thì tôi cũng quên mất. Ở bên trí Vũ Hoa Đài là đề thờ Thái Bá, ngày xưa do ông Trì Hành Sơn ở Câu Dung làm. Bấy giờ có mời Ngu bác sĩ đến tế, thật là náo nhiệt. Lúc ấy tôi hơn hai mươi tuổi, có chen vào xem, rách cả mũ. Nhưng ngày nay đền thờ này không có ai đoái hoài đến. Nhà cửa đổ nát. Chúng ta uống trà xong cùng đến đấy xem một chút đi.

    Ăn một đĩa đậu phụ khô, trả tiền xong, hai người ra đi. Họ trèo lên phía bên trái Vũ Hoa Đài. Xa xa, nhìn thấy đề thờ Thái Bá. Họ bước đến cửa trước thấy năm sáu đứa trẻ con đá cầu ở đấy. Hai cánh cửa lớn đã đổ mất một, nằm lăn xuống đất. Bước vào thấy ba bốn người đàn bà già đang nhặt rau ở ngoài sân. Cửa điện không còn nữa. Tất cả năm gian lầu phía sau đều trống trải, bao nhiêu tấm ván đều mất hết. Hai người đi một vòng. Cái Khoan thở dài nói:

    – Một nơi danh thắng như thế này mà nay đổ nát đến thế, không ai chịu sửa chữa. Những người có tiền chịu tốn hàng ngàn lạng bạc để làm nhà tăng, nhà đạo, thế mà nay chẳng ai đứng ra sửa chữa đền thờ thánh hiền cả.

    – Ngày xưa Trì tiên sinh mua rất nhiều, đồ dùng đều làm theo kiểu đời xưa để vào trong mấy cái tủ lớn ở dưới lầu. Nhưng ngày nay cả đến cái tủ cũng không còn!

    – Cụ nhắc đến việc xưa chỉ làm người ta thêm thương tâm. Chúng ta trở về nhà thì hơn.

    Hai người chầm chậm trở về. Người hàng xóm của Cái Khoan nói:

    – Chúng ta cùng lên đỉnh Vũ Hoa Đài xem đi.

    Hai người ngắm núi bên kia sông, màu xanh cánh trả, nhìn những chiếc thuyền qua lại, cột buồm hiện lên rõ từng chiếc một. Mặt trời dần dần lặn sau núi. Hai người chậm rãi bước xuống núi trở về thành. Cái Khoan lại bán trà được nửa năm. Tháng ba năm sau có người mời Cái Khoan dạy học tiền lương tám lạng.

    *

    * *

    Một người khác làm thợ may tên là Kinh Nguyên, đã ngoài năm mươi tuổi, mở hiệu may ở đường Tam Sơn. Mỗi ngày, sau khi công việc xong, còn bao nhiêu thì giờ thì anh ta đánh đàn, viết chữ. Tính rất thích làm thơ. Bạn bè và những người quen biết hỏi anh ta rằng:

    – Ông đã là người phong nhã như vậy, tại sao vẫn còn làm cái nghề này? Tại sao ông không chơi với những người ở trong trường học?

    Anh ta đáp:

    – Không phải tôi muốn làm người phong nhã đâu. Chỉ vì tôi thích cho nên tôi thường làm. Còn nghề mọn của tôi là do cha ông truyền lại, có lẽ nào làm nghề may áo quần lại làm nhơ bẩn đến việc đọc sách hay sao? Vả chăng những người ở trong trường học không như chúng ta đâu, đời nào họ lại chơi bời với chúng ta! Nay mỗi ngày tôi kiếm được sáu bảy phân bạc, sau khi ăn no, tôi muốn đánh đàn hay viết chữ là tùy ý tôi. Tôi không muốn giàu có, phú quý, cũng không muốn phải luồn luỵ ai. Cứ sống như thế này, ung dung ngất ngưởng há chẳng sướng sao?

    Khi những người bạn nghe vậy, họ bắt đầu đối đãi với anh ta một cách lạnh nhạt.

    Một hôm Kinh Nguyên ăn cơm xong không có việc gì làm, đến núi Thanh Lương chơi. Núi Thanh Lương là nơi yên tĩnh nhất ở trong thành Nam Kinh. Anh ta có một người bạn già họ Vu ở sau núi. Cụ Vu không đọc sách, cũng không buôn bán, nuôi năm người con, người con đầu bốn mươi tuổi, người con út hơn hai mươi tuổi. Cụ Vu đang bảo các con tưới vườn. Vườn rộng hai ba trăm mẫu, chỗ ở giữa để trống để trồng hoa, trồng cây và đắp một hòn núi giả. Ở đấy cụ Vu dựng mấy gian nhà tranh tự tay mình trồng mấy cây ngô đồng to đến bốn mươi vòng ôm. Sau khi bảo các con tưới vườn xong, cụ Vu vào nhà, nhóm lửa, uống trà, nhìn cảnh vườn xanh mát. Hôm ấy Kinh Nguyên đến chơi. Cụ Vu nói:

    – Đã lâu tôi không gặp ông. Việc làm ăn bận rộn lắm phải không?

    – Vâng! Hôm nay tôi mới có thì giờ rảnh đến đây thăm cụ!

    – Tôi vừa đun một ấm trà, mời ông uống một chén.

    Bèn rót một chén trà. Kinh Nguyên đỡ lấy ngồi uống, nói:

    – Trà này sắc, hương, mùi vị đều tốt. Cụ lấy nước ở đâu mà ngon thế?

    – Chúng tôi ở phía tây thành sướng hơn ở phía nam thành. Giếng nào ở đây cũng uống được.

    – Người xưa nói đến Nguồn Đào, thoát khỏi nợ trần! Cứ theo ý tôi, cần gì có Nguồn Đào. Cứ sống như cụ đây, yên tĩnh, tự tại thì ở ngay thành thị, sơn lâm, cũng là vị tiên sống hiện nay rồi!

    – Phải! Nhưng có một việc tôi không làm được là làm thế này gẩy được đàn cầm như ông cho tiêu khiển đôi chút. Độ này chắc ông chơi đàn hay hơn trước chứ! Có khi nào ông gẩy cho tôi nghe được không?

    – Cái đó dễ lắm. Nếu cụ không sợ rác tai, ngày mai tôi sẽ đem đàn cầm đến. Nói chuyện một hồi Kinh Nguyên từ biệt ra về.

    Hôm sau, Kinh Nguyên thân hành mang đàn cầm đến vườn. Cụ Vu đã đốt sẵn một lò hương thơm ngồi đợi ở đấy. Hai người gặp nhau, nói mấy câu chuyện, cụ Vu đặt đàn cầm của Kinh Nguyên lên ghế đá. Kinh Nguyên ngồi trên chiếu trải dưới đất, cụ Vu ngồi cạnh Kinh Nguyên dần dần lên dây và bắt đầu gẩy đàn. Tiếng đàn thánh thót rung động ngàn cây. Chim chóc đều đỗ trên cành lắng nghe. Đàn một hồi, âm thanh rung chuyển, tiếng nghe não nuột. Nghe đến chỗ sâu xa, bí ẩn, cụ Vu không ngờ thấy buồn bã nước mắt đầm đìa. Kinh Nguyên từ biệt ra về. Từ đấy hai người thường đến nhà nhau chơi.

    *

    * *

    Các bạn! Có lẽ nào từ nay về sau không còn có vị hiền nhân quân tử nào có thể vào quyển “Sử của Rừng nho” nữa chăng?

    Có bài từ nói:

    Nhớ lúc năm xưa, ta yêu Tần Hoài[206] bèn lìa cố hương

    Tới sau lò Mai Căn[207] mấy phen ngâm ngợi

    Trong làng Hoa Hạnh, nhiều lúc thênh thang!

    Phượng đậu cây cao,

    Dế ngâm bụi nhỏ,

    Với người đời cũng chút vênh vang

    Nay thôi hẳn! Lột trần áo mũ, chân rửa sông Thương[208]

    Ngồi buồn rót chén quỳnh tương!

    Gọi mấy người bạn mới chén một tràng

    Ôi trăm năm mấy chốc!

    Cần gì buồn bực. Ngàn thu việc lớn, cần chi lo lường.

    Giang Tả khói mây

    Hoài Nam kỳ cựu[209]

    Chép lại thành thơ, thảy đoạn trường

    Từ nay về sau,

    Lò thuốc, quyển kinh,

    Cửa phật tựa nương.
     
  2. Riochan

    Riochan Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    20/12/14
    Bài viết:
    60
    Được thích:
    0
    PHỤ LỤC

    CHẾ ĐỘ KHOA CỬ VÀ NHỮNG CHỨC TƯỚC NHẮC ĐẾN TRONG SÁCH NÀY​


    Trong sách này có nói đến một số danh từ chuyên môn khoa cử và chức tước đời Minh, nếu để nguyên sợ khó hiểu. Mặt khác chế độ thi cử và chức tước đời Minh giống hệt như triều Nguyễn trước nên cũng cần trình bày những điểm chính một cách có hệ thống để tiện việc theo dõi.

    Nói chung chế độ thi cử và hệ thống quan lại đời Minh cũng như đời Thanh, lúc tác giả sống. Giữa hai triều đại có sự khác nhau nhưng không đáng kể.

    Việc thi cử gồm ba bực: Viện thí, Hương thí, và những kỳ thi cao nhất ở kinh gồm Hội thí, Phúc thí, Điện thí.

    Viện thí là kỳ thi mở ở huyện. Trước khi mở Viện thí có hai kỳ thi thử. Kỳ thi đầu gọi là Huyện thí do quan huyện chủ tọa. Ai được thi thì gọi là đồng sinh. Ai thi phủ đỗ thì gọi là tú tài. Quan học đạo phụ trách việc thi cử ba năm một lần và phải đi các nơi trong địa hạt của mình để tổ chức hai kỳ thi huyện thí và phủ thí.

    Mục đích của Viện thí là chọn những người tú tài. Ai giỏi được thưởng, ai kém bị phạt, có thể bị đòn. Số tú tài lấy từ tám đến hai mươi tùy theo. Một số tú tài mỗi năm được chọn làm lẫm sinh. Những người này được ưu đãi hơn vì họ có học bổng của chính phủ. Có những kỳ thi riêng của triều đình để chọn một số cống sinh. Những người đỗ cống sinh sau một kỳ thi những có thể ra làm quan.

    Nói chung, những người đỗ tú tài không cần phải giỏi lắm. Cốt nhất là biết viết văn bát cổ là có hy vọng đỗ. Có những người không thi lại nhờ người khác thi thay mình hay đút lót tiền cho quan chấm thi để lấy đỗ tú tài.

    Địa vị xã hội một anh tú tài không phải cao lắm, nhưng vẫn còn hơn địa vị dân thường. Đó là vì họ có thể giao thiệp trực tiếp với các quan. Họ không phải quỳ lạy quan phủ, huyện và có khi có thể xem các quan phủ huyện cùng ngang vai vế với mình. Nhờ vậy họ thường dựa vào đấy để áp bức người khác. Sau khi đỗ tú tài, họ có thể kiếm cách sinh nhai bằng việc dạy học.

    Hương thí thi ở tỉnh một năm sau phú thi, và như vậy là cứ ba năm một lần. Kỳ thi tổ chức ở các tỉnh lỵ cũng như ở Bắc Kinh và. Thí sinh thi đỗ gọi là cử nhân. Muốn thi hương phải là tú tài, hay cống sinh hay nếu thi hỏng tú tài thì phải có tiền mua chức giám sinh mới được thi hương.

    Trường Quốc tử giám ở Bắc Kinh và ở Nam Kinh là tổ chức giáo dục cao nhất ở đời Minh và đời Thanh. Theo lệ thì phải cống sinh hay con các quan to mới được vào Quốc tử giám. Nhưng ở đời Thanh, miễn là trả một số tiền là được vào, cách này rõ rệt là một phương tiện bệnh vực con nhà giàu và quyền thế vì họ có thể đi thẳng lên công danh và tiền tài không phải qua nhiều bậc thi cử.

    Quan chủ khảo chủ tọa kỳ thi hương, có những quan phó chủ khảo giúp việc. Lại có những người thư ký gọi là mạc khách để đọc các bài trước. Số cử nhân thay đổi tùy tỉnh, từ năm mươi đến hơn một trăm. Đỗ thi hương là một sự kiện quan trọng. Nó có nghĩa rằng thí sinh có thể thi hội và nếu thi hội có hỏng cũng có thể làm quan.

    Thi hội do bộ Lễ tổ chức. Phúc thí do một ông quan đại thần được nhà vua chỉ định làm chủ khảo. Còn Điện thí thì chính nhà vua làm chủ khảo. Trong ba kỳ thi cuối cùng này thì quan trọng nhất vẫn là hội thí. Hội thí ba năm một lần ở Bắc Kinh. Cử nhân ở tất cả các tỉnh đều đến thi. Ai đỗ thì gọi là cống sĩ được chọn để thi Phúc thí. Thường đã thi Phúc thí thì ít ai hỏng. Phúc thú và Điện thí gọi là tiến sĩ chia làm ba giáp là đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp tiến sĩ. Ba người ở trong đệ nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Đệ nhị giáp gồm từ sáu mươi đến bảy mươi người.

    *

    * *

    Thi dỗ xong các ông tân khoa được bổ làm quan. Những người đỗ đệ nhất giáp thì được vào Hàn lâm biên tu. Có người thi đỗ Điện thí nhưng không chịu làm quan. Địa vị xã hội của họ tuy vậy cũng rất cao.

    Hệ thống quan lại đời Minh gồm chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh, phủ, huyện.

    Chính quyền trung ương gồm có những cơ quan trung ương như là Nội các, Lục bộ, Đô sát viên, Thông Chính sứ tư, Hàn Lâm viện, Quốc tử giám.

    Vị quan cao nhất ở trong chính quyền trung ương là Đại học sĩ tương đương với chức tể tướng. Dưới Đại học sĩó các thị độc học sĩ và Thị giảng lo về việc giấy tờ và các Trung thư để làm các giấy tờ, sắc lệnh. Chức vụ Trung thư là một chức vụ có thể mua được.

    Lục bộ là sáu bộ: bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công. Đó là những cơ quan cai trị chính.

    Đô sát viên lo việc kiểm soát và giám sát các quan lại. Trong Đô sát viện có Tả, hữu đô ngự sử và một số ngự sử có thể để ở kinh hay gửi đi các nơi để điều tra.

    Thông Chính tư là chức quan lo việc giấy tờ công văn ở các địa phương gửi về trung ương. Viện Hàn lâm gồm một số học giả do Chưởng viện học sĩ cầm đầu. Những người khác gọi là Thị độc học sĩ hay Thị giảng học sĩ. Họ có nhiệm vụ thảo các đạo dụ, sắc, luật và các Tu soạn và Biên tu để soạn các bộ sử.

    Từ trung diệp đời Minh trở đi, hầu hết những người ở trong Nội các đều xuất thân ở Hàn lâm ra. Vì vậy, một người vào Hàn lâm là có hy vọng sau này làm tể tướng. Từ thế kỷ XVIII các quan chủ khảo các tỉnh đều lấy trong những người làm Tu soạn hay Biên tu ở Viện hàn lâm.

    Quốc tử giám là cơ quan giáo dục cao nhất. Đứng đầu Quốc tử giám là Tế tửu rồi đến Tư nghiệp.

    Ngoài các chức vụ có thực quyền lại có những chức phong. Những người làm thượng thư được phong làm Thái bảo hay Thiếu bảo, Trung tân đại phu cũng là một chức phong rất cao.

    Ở địa phương chia ra các tỉnh, các đạo, các phủ hay châu và huyện. Ở tỉnh có quan Tổng đốc và quan Tuần vũ cầm đầu. Dưới quan Tuần vũ có quan Bố chánh và quan Án sát. Quan Bố chánh lo việc tài chính và dân sự, quan Án sát lo việc tư pháp. Cứ hai hay ba phủ thì có ông Đạo đài kiểm soát. Cầm đầu một phủ là Tri phủ, cầm đầu một huyện là Tri huyện. Ở làng cầm đầu một làng gọi là Bảo giáp.

    Về việc học, ở phủ, châu, huyện có những học quan lo việc sổ sách học sinh, và các quan khác lo các đạo sĩ và nhà sư.

    Về việc buôn muối ở tỉnh nào sản xuất muối thì cơ quan Diêm vân sứ thu thuế muối và giữ độc quyền về muối. Việc chuyên chở thì do những nhà buôn phụ trách dưới sự kiểm soát của chính phủ. Điều này khiến cho nhiều nhà buôn muối thành triệu phú.

    Về việc binh, cầm đầu những vị trí quân sự là quan đề đốc ở dưới đề đốc có Tham tướng, Thủ bị, Thiên tổng, Bá tổng.

    Những danh từ này thường được nhắc luôn trong sách. Các bạn đọc nên xem lại ở trong bảng phụ lục này thì đỡ lẫn lộn và có thể có ích cho việc hiểu tổ chức xã hội đời Minh Thanh hơn.

    — Hết —

    [1] 1279 – 1368.

    [2] Tháng tư âm lịch.

    [3] Đoạn Can Mộc người đời Chiến quốc, Ngụy Văn Hầu mời ra làm quan, trèo tường bỏ trốn. Tiết Liễu người đời Xuân Thu, Lễ Mục Công muốn gặp, đóng cửa không cho vào.

    [4] Nhận xét thật là mỉa mai.

    [5] Tác giả để cho một bà nông dân già nói lên ý nghĩ chính của mình đối với chính quyền phong kiến.

    [6] Dư Khuyết: Tướng nhà Nguyên đã bảo vệ Hòa Châu và bị quân đội Chu Nguyên Chương giết. Vì Nguy Tố làm thượng thư Triều – Nguyên lại đầu hàng, cho nên vua sai đày đi Hòa Châu, giữ mộ Dư Khuyết để chứng tỏ rằng y đã phản chủ.

    [7] – Văn bát cổ: Còn gọi là kinh nghĩa, khoa cử thời Nguyễn ở Việt Nam rất thịnh hành. Đầu bài ra lấy trong Tứ thư, Ngũ kinh. Hình thức quy định hết sức chặt chẽ. Người ta gọi nó là bát cổ vì nó có tám (bát)đoạn (cổ là bắp vế): Phá đề, thừa đề, khởi giảng, nhập thủ, tiền cổ, trung cổ, hậu cổ, thái cổ. Vì nó là tiêu biểu cho chủ nghĩa hình thức trong thi cử cho nên đôi khi người ta gọi văn thi cử là văn bát cổ.

    [8] – Câu này chính tác giả mượn lời Vương Miện để nói với tầng lớp nho sĩ của thời đại mình. Chiêm tinh học ngày xưa cho các ngôi sao ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Sao Quán Sách gồm chín sao là sao ngục trời, sao Văn Xương gồm sáu sao là sao văn học. Ý nói các văn nhân gặp lúc nguy nan.

    [9] Bố Chánh: Đời Minh, nước chia ra mười ba tỉnh, cầm đầu mỗi tỉnh có quan Bố Chánh.

    [10] Tư nghị tham quân: chức quan tương đương với chức cố vấn.

    [11] đỗ cao

    [12] 1487.

    [13] – Đề khống giữ việc thu thuế.

    [14] Ăn chay suốt đời.

    [15] Chu Cửu tên của Mai Cửu có bộ vương bên cạnh chữ cửu, chữ “Mai” tên của Tuân Mai là chữ vương bên cạnh chữ văn.

    [16] Nhận xét của tác giả bao giờ cũng kín đáo nhưng ý nghĩa sâu sắc.

    [17] Ngày xưa khi nào con làm quan thì cha được phong cho nên khi xưng hô người ta gọi là “cụ phong”.

    [18] Trong Nho Lâm Ngoại Sử thường nói đến những trường hợp dân chúng phẫn nộ nổi lên chống lại quan lại, đó cũng là một đặc sắc của tác giả.

    [19] Vương Nhân, Vương Đức là những hạng nhà nho đạo đức giả, bao giờ cũng lợi dụng thánh hiền để kiếm lời về mình và trốn trách nhiệm. Cách diễn tả rất đặc sắc trông như một tấn kịch.

    [20] Miêu tả cái chết của anh chàng hà tiện thật là điển hình.

    [21] Các quan ngày xưa đi đâu cũng có người mang bài đi trước “Sào huyện chính đường” là “quan huyện Sào”, “túc tĩnh” là “yên lặng”, “hồi tị” là “tránh ra” như thế để cho nhân dân biết. Nghiêm cống sinh không làm quan nhưng mượn bài của quan huyện, đó cũng là một đặc điểm của Nghiêm.

    [22] Mạc khách: Người giúp việc.

    [23] Tô Thức là Đông Pha, một thi hào lớn nhất đời Tống.

    [24] Những thí sinh nào làm bài kém có thể bị đánh.

    [25] Mai Cửu mạo nhận Chu Tiến làm thầy mình mặc dầu trước kia đã chế nhạo Chu Tiến.

    [26] Chu Tiến đã biến thành thần!

    [27] Sọt: Ngày xưa ở Việt Nam cũng có tục “cầu tiên sọt”. Cái sọt đan bằng tre hai đầu có hai thanh gỗ để cho hai người cầm, sọt có một cái mỏ để viết vào mâm gạo.

    [28] Quan Vũ thời tam quốc.

    [29] Quỳ, Long: hai vị đại thần đời vua Tuấn.

    [30] Bài này là thơ theo lối sấm không thể dịch ra mà hiểu ngay được. Nguyên văn của bài là: “Tiến nhĩ công danh Hạ hậu, nhất chi cao chiết tiên hồng. Đại giang yên lãng liễu vô tung, lưỡng nhật hoàng đường toạ ủng. Chỉ đạo hoa lưu khai đạo, nguyên lai thiên phủ Quỳ Long. Cầm sắt tỳ bà lộ thượng phùng. Nhất trản thuần giao tâm thông”.

    [31] Một viên quan giúp quan phủ.

    [32] Cừ Cảnh Ngọc trước đây là khách của Phạm Tiến ở hồi bảy.

    [33] Vương Thủ Nhân tức Vương Dương Minh nhà chính trị đồng thời là triết gia đời Minh.

    [34] Cao Thanh Khâu tức Cao Khải thi nhân nổi tiếng thời Minh vì có tội nên bị Chu Nguyên Chương giết.

    [35] Tên đặt cho người khi đã chết.

    [36] Thành Tổ con thứ tư của Thái Tổ nhà Minh cướp ngôi cháu năm 1403 niên hiệu là Vĩnh Lạc.

    [37] Câu này ám chỉ nhà Thanh.

    [38] Tác giả mượn lời Trâu Cát Phủ để châm biếm triều đình Mãn Thanh.

    [39]Thạch Phủ người nước Tề thời Xuân Thu, Án Anh cứu ra khỏi tù nhưng vẫn không cảm ơn.

    [40]Thủ phủ tức là thủ bị, chức quan võ coi các trấn.

    [41]Tiếng Trung Quốc chữ Đại học sĩ với đại giác tự đọc gần giống nhau.

    [42] Tín Lăng Quân và Xuân Thân Quân là những người nổi tiếng hiếu khách đời Chiến quốc, số khách ở trong nhà có hàng ngàn người.

    [43] Cách đánh giá con người của Lỗ Biên Tu có thể tóm lại ở trong câu này.

    [44] Các đoạn văn ở trong kinh nghĩa.

    [45] Những nhà văn bát cổ nổi tiếng triều Minh.

    [46] Lỗ Biên Tu và Lỗ tiểu thư đều cho khoa cử là cái thước đo duy nhất về giá trị con người.

    [47] Bài thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên.

    [48] Bách gia: danh từ chung để chỉ các nhà tư tưởng đời Xuân Thu, Chiến quốc như Lão Tử, Trang Tử, Hàn Phi, Tuân Khanh,v.v…

    [49] Những câu cách ngôn của Chu Hy để trị gia

    [50] Vênh vang không hợp thời

    [51] Học sinh có học bổng

    [52] Đã chú thích ở hồi mười

    [53] Tên một thang thuốc trong y học Trung Quốc. Cách chữa bệnh theo Trung y là bệnh gì, nên uống thuốc gì, gia giảm thế nào, đó là kỹ thuật chuyên môn của các thầy thuốc. Thang tứ quân tử gồm có sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo và thêm hai vị trần bì, bán hạ nữa.

    [54] Quản Trọng nhà chính trị gia đời Xuân Thu, Nhạc Nghị viên tướng giỏi thời chiến quốc. Trình Hiệu và Chu Hy là hai triết gia đời Tống.

    [55] Tác giả mượn Dương Chấp Trung và Quyền Vật Dụng để chế nhạo bạo cuồng nho chỉ ăn nói ba hoa, thực ra không có tài năng, chí khí gì ngoài cái thái độ ra về “ưu thời mẫn thế”.

    [56] Câu này để chuẩn bị cho việc sẽ xảy ra ở hồi mười ba, khi Hoạn Thành đem Song Hồng đi trốn.

    [57] Cách cư tang của Quyền Vật Dụng cũng là cách cư tang của Phạm Tiến.

    [58] Vừa mới khen Vật Dụng có tài của Quản Trọng, Nhạc Nghị chỉ vì mấy đồng tiền mà Chấp Trung đã gọi là thằng điên.

    [59] Lỗ Biên Tu chết khi được tin ra làm quan cũng như mẹ Phạm Tiến chết khi được tin con mình giàu có.

    [60] Tác giả dùng hình tượng hai công tử họ Lâu để tả hạng nhà nho ngông, con quan to lớn giao du với những người danh sĩ nhưng rốt cục chỉ vớ phải hạng nhà nho gàn, và những tên lường gạt. Hình ảnh Lâu Bổng đối lập với hình ảnh Đỗ Thiếu Khanh sau này.

    [61] Cách lý luận theo lối Tống nho.

    [62] Gió, hoa, tuyết, trăng bốn đề tài hay nhắc đến ở trong thơ.

    [63] Khổng Tử câu “Ngôn quá vưu, hành quá hối, lộc tại kỳ trung hi” tức là nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn, tước lộc chính là ở đó.

    [64] Đoạn này rất nổi tiếng, nó lột tất cả tư tưởng của Mã Thuần Thượng. Đặc biệt vì mê bát cổ quá nên Mã Thuần Thượng bê cả lối lý luận kiểu bát cổ để bênh vực văn bát cổ.

    [65] Tuyển tập các bài văn trong các kỳ thi.

    [66] “Thi vân”: Kinh thi nói rằng, “Tử viết” Khổng Tử nói rằng: Mấy ông đồ nho hễ nói chuyện là dẫn lời Kinh thi và Khổng Tử.

    [67] Đặc điểm ngôn ngữ tên sai nhân này là mở miệng ra nói toàn tục ngữ.

    [68] Câu chuyện cái tráp của Vương Huệ là việc xảy ra hàng ngày trong xã hội đời Thanh.

    [69] Đúng là cử chỉ nhà nho

    [70] Chỉ riêng cử chỉ này cũng đủ nói Mã là một người tôn sùng trật

    [71] Vua ban cho tên chùa là chùa Tĩnh Từ.

    [72] Vào thế kỷ XII, Tống Cao Tông bị quân Kim dồn xuống miền Nam sông Dương Tử, đóng đô ở Hàng Châu, lịch sử gọi là cuộc Nam Độ.

    [73] Những quy tắc trong văn bát cổ.

    [74] Mã Thuần Thượng rất tốt đối với bạn.

    [75] Nghĩa đen người học trò chầu chực, chỉ sự khiêm tốn.

    [76] Kỳ thi để xét lại những người đã đỗ “Sơ thí”.

    [77] Đó cũng là lời khuyên của người mẹ Vương Miện trước khi nhắm mắt.

    [78] Ngũ tinh: Năm thứ sao “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”, nhà xem số căn cứ vào việc xem ngôi sao của người ta thuộc Kim hay Mộc v.v… để xét đoán số mệnh. Tử bình là cách xem số do ông Từ Tử Bình người đời Minh đặt ra.

    [79] Mở miệng là nói láo! Nghiêm Trí Trung đã giả nhận là bà con của Chu Tiến và bị đuổi (xem ở hồi VII).

    [80] Khóa thi hỏi về nghĩa lý trong ngũ kinh.

    [81] Mã và Tùy đều nói đến phép tắc, đều chê người khác là học nhảm. Sự thực họ chê lẫn nhau, và văn bát cổ chỉ là một thứ văn nhảm không ra phép tắc gì.

    [82] Sách dạy vỡ lòng cách làm thơ.

    [83] Trong sách “âm vần” của Trung Hoa cổ, có các chữ xếp theo vần thứ nhất, thứ hai, vần tứ chi là vần chi ở thứ tư. Học sinh dựa vào đó để ghép vần khi làm thơ.

    [84] Cách tả tính bủn xỉn của Hồ Tam thực là sinh động, không một lời châm biếm nhưng thực là châm biếm sâu sắc.

    [85] Trong thơ không ai dùng những chữ “vậy ôi”, “mảng rằng” v.v… Đó là những danh từ chỉ dùng trong văn bát cổ. Tuỳ Sầm Am vốn quen làm văn bát cổ nên khi làm thơ cũng “bê” tất cả vào. Đại khái những nhận xét của Ngô Kính Tử thường kín đáo như vậy

    [86] Nhân vật Phan Tam chỉ trong vài trang đã lộ nguyên hình một tên lưu manh. Bài học Phan Tam dạy Siêu Nhân quả là sâu sắc.

    [87] Mở miệng ra, Phan Tam chỉ nói đến tiền.

    [88] Chức tương đương với giáo sư.

    [89] Tiên nho: nghĩa đen là nhà nho có danh tiếng đã qua đời như Chu Tử, Trình Tử. “Tử” chỉ những học giả có danh vọng lớn như Khổng Tử, Mạnh Tử. Khuông Siêu Nhân ăn nói khoe khoang cho nên biến thành lố bịch, buồn cười.

    [90] Năm 1530.

    [91] Bản thảo tập thơ của Ngưu Bố Y.

    [92] Chi, hồ, giả, dã là bốn trợ từ thường dùng trong văn ngôn nên nói văn ngôn thường gọi là “chi, hồ, giả, dã”.

    [93] Cúng thất : bảy ngày cúng một lần, cúng bảy lần như vậy, năm mươi ngày mớ thôi.

    [94] Cử nhân đời Minh và đời Thanh gọi là hiếu liêm.

    [95] Nha môn: Ngưu Ngọc Phố là một thứ nhà nho lường gạt, chỉ cách y giới thiệu Vương Nghĩa An với Ngưu Phố cũng nói rất rõ y là hạng người nào.

    [96] Mũ vuông là mũ các nhà nho đội. Nhưng ở đây thì mọi người đều đội: Vương Nghĩa An là tên kiếm gái, Ngưu Phố, Vạn Tuyết Trai là nhà buôn.

    [97] Đọc sách là việc tốt, cày là việc tốt, học hai điều ấy tốt là tốt. Khai sáng cơ nghiệp là điều khó, giữ gìn nó là điều khó, nhưng nếu biết điều đó là khó thì không còn khó nữa.

    [98] Tên một vị thuốc ăn rất bổ.

    [99] Bão Văn Khanh dè dặt vì Bão thuộc tầng lớp “thấp hèn” trong xã hội (nghề hát tuồng) không dám nhận con một nhà nho làm con nuôi.

    [100] Theo phong tục cũ, làm như vậy tức là Đình Tỷ vẫn là con của Nghê Sương Phong.

    [101] Tức là cha nuôi của Đỗ Thiếu Khanh (xem hồi 31).

    [102] Nhận xét này là sự đánh giá của tác giả.

    [103] Minh tinh: miếng lụa dài để viết tên, họ, chức tước người đã chết. Thường thường người ta nhờ một ông quan hay một người có tiếng viết.

    [104] Tiếng Trung Quốc chữ “ngư” là cá và “dư” là thừa đọc giống nhau.

    [105] Điện quý của Diêm Vương.

    [106] Nơi kiểm soát thuyền bè qua lại phải nộp tiền, chữ Trung Quốc là sa quan.

    [107] Người mở đầu một môn phái mà Phật là tổ. Đây chỉ Huyền Trang đời Đường.

    [108] Trích trong kinh phật, vị thiên nữ sau khi nghe nhà đại cư sĩ Duy Ma Cật thuyết pháp, liền hiện ra nguyên hình, nhưng Duy Ma Cật không bị nó cám dỗ. Đây dùng để ví sau này Long Tam giả dạng con gái đến ghẹo nhà chùa.

    [109] Tức là Tuân Mai nguyên học trò Chu Tiên.

    [110] Phan An tức là Phan Nhạc người đời Tấn rất đẹp trai, lúc đi ra đường con gái thường ném quả cây vào đầy cả xe cho anh ta.

    [111] Tào Tử Kiến tức Tào Thực, con Tào Tháo nổi tiếng về thơ.

    [112] Vương Đạo, Tạ An đời Tấn, những người phong lưu đời Đông Tấn.

    [113] Phương Hiếu Nho còn gọi là Phương Chính Học và Cảnh Thanh là hai nhà nho có tiếng đời Minh, chống lại Minh thành tố và bị giết. Đoạn này tác giả nói đến, có ý ám chỉ những vụ tàn sát đời Thanh lúc tác giả còn sống.

    [114] Ông ba đời, ông hai đời, ông, cha, con, cháu, cháu hai đời, cháu ba đời; có thể dịch là ông sơ, ông cố, ông, cha, con, cháu, chắt, chút.

    [115] Nam Bắc triều (thế kỷ IV – thế kỷ VI) thời gian Trung Quốc bị chia cắt làm hai, ở phía nam Dương Tử có Đông Tấn, Tề, Lương, Trần gọi là Nam triều, về phía Bắc có Nguyên Nguỵ, Chu, Cao Tề gọi là Bắc Triều. Sau nhà Tuỳ thống nhất cả Nam Bắc. Thời gian này chiến tranh liên miên, nhân dân điêu đứng.

    [116] Lục Triều: Thời Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Tần những thời này đều đóng đô ở Kim Lăng và nổi tiếng Thanh Lịch.

    [117] Thành Liên người đời Xuân Thu – Bá Nha học đàn cầm với ông, ông đưa đến một hòn núi giữa bể, rồi chèo thuyền đi mất, để cho Bá Nha theo trong cảnh tĩnh mịch tự nhiên, mà hiểu biết cái hay của nhạc.

    [118] Bảy danh sĩ niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh: Vương Thế Trinh, tự Phụng Châu, Lý Phan long tự Vu Lân, Tạ Trăn tự Mậu Tần; Tôn Thần tự Tử Tương, Lý Hữu Dự, Từ Trung Hành và Ngô Quốc Luân.

    [119] Những người làm quan đội mũ sa; cho nên những người làm quan thường gọi là hạng mũ sa.

    [120] Tức là Chu Nguyên Chương.

    [121] Trong quyển “Thuyết Uyển” có chuyện ông vua nước Ngạc đi thuyền đem nệm gấm lên trên chèo mà hát những việc của người nước Việt. Sau này người ta dùng việc ấy để tả cảm tình của người con trai đối với nhau.

    [122] Đồng Hiền đẹp trai được vua Ai Đế (năm 61 trước công nguyên) yêu, muốn nhường ngôi cho y.

    [123] Tất cả hồi hai mươi chín đến đây miêu tả Đỗ Thận Khanh, một nhà nho giàu có, có tài, đẹp trai nhưng rất tầm thường. Thận Khanh chịu mất tiền để mua cái danh là hào hoa, chứ không chịu mất tiền để giúp đỡ người khác. Đoạn nhận xét về Thiếu Khanh càng chứng tỏ Thân Khanh là một người tục khách.

    [124] Vương Thủ Hòa là một danh y đời Tấn có viết quyển Mạch kinh là sách các thầy thuốc đều phải đọc.

    [125] Mạo sổ: giả mạo quê quán, không phải là người địa phương nhưng khai gian là người địa phương.

    [126] Một thứ tổ chức từ thiện ngày trước, nhận những người già không nơi nương tựa.

    [127] Trong “Nho lâm ngoại sử” không hề nói đến người con Đỗ Thiếu Khanh mà ông Lâu bảo là “đặc biệt hơn người”. Có lẽ đây là tác giả ám chỉ người con của mình: Ngô Lương con của Ngô Kính Tử là một nhà toán học vĩ đại của Trung Quốc. Ông Lâu không gọi Thiếu Khanh bằng “Thiếu Gia” mà gọi bằng ông. Sự đối lập giữa ông Lâu và Vương Râu rất rõ.

    [128] Ở đình “Thức Chu” nhớ thời xưa.

    [129] Thái Bá: con trai Thái Vương thời Tây Chu. Thái Bá nhường ngôi cho em, bỏ trốn về phương Nam, lập ra nước Ngô.

    [130] Giúp trong việc cai trị và dạy dỗ dân.

    [131] Dương táo. Trong “Mạnh Tử” nói ông Tăng Tử không ăn “dương táo” vì người cha thích ăn “dương táo”, lúc ăn thì nhớ đến cha. Trong các sách chú thích “dương táo” là quả dương táo.

    [132] Đây chỉ bộ ngũ kinh đại toàn xuất bản đời Vĩnh Lạc nhà Minh, do Hồ Quảng biên soạn. Bộ này là sách học để đi thi.

    [133] “Khải Phong” là một bài thơ trong “Kinh Thi” thiên “Gái nói gà gáy”, trăn vị v.v… cũng vậy.

    [134] Thời Hạ, Thượng, Chu gọi là thời tam đại.

    [135] Án Tử, tên là Anh một nhà chính trị ở nước Tề có tiếng thời Xuân thu.

    [136] Đời Xuân Thu, vua Sở cho mời Lão Lai Tử ra làm quan vợ Lão Lai Tử khuyên chồng đừng ra.

    [137] 1556.

    [138] Một bài thơ đời Đường tả cảnh đi chầu vua buổi sớm. Ý nói trong khi sao mới lặn hoa đón gươm của các quan đeo, trong khi sương mù chưa khô thì lá liễu phất phơ trên hàng cờ quạt của nhà vua.

    [139] Một quẻ ở trong kinh dịch, chữ “Độn” có nghĩa là trốn.

    [140] Danh từ chung để chỉ chức quan cao như tể tướng.

    [141] Đời Minh: tể tướng thường lấy ở trong những người đỗ tiến sĩ hàn lâm.

    [142] Ngô Kính Tử hay nói đến sinh hoạt hiện thực của dân nghèo như chuyện hai vợ chồng cụ già ở hồi thứ ba mươi lăm; chuyện người nông dân đi tự tử ở hồi thứ ba mươi sáu.

    [143] Đặc tính căn bản của Ngu là sự thành thực.

    [144] Bá Di, người cuối đời nhà Thương, không chịu theo nhà Chu, lên núi Thú Dương ở ẩn rồi chết đói. Liễu Hạ Huệ người nước Lỗ thời Xuân Thu làm quan ngay thẳng bị cách chức ba lần vẫn vui vẻ. Đào Uyên Minh; người đời Tấn, từ quan về lấy thơ; rượu làm vui, một thi gia nổi tiếng của Trung Quốc.

    [145] Cách tả sự chân thật của Ngu thật là đặc sắc.

    [146] Giá gỗ để văn tế.

    [147] Đồ dùng để thắp, làm bằng sắt trên cắm gỗ thông lúc làm lễ đốt gỗ thông lên.

    [148] Chúc là nhạc khí cổ hình vuông; bằng gỗ, người ta lấy dùi gỗ để gõ vào chúc.

    [149] Ngữ là nhạc khí cổ hình con hổ làm bằng gỗ trên lưng có 27 miếng kim khí gãy vào thành tiếng.

    [150] Múa lục dật là một lối múa cổ chia làm 6 hàng, mỗi hàng 6 người.

    [151] Những câu này chúng tôi phiên âm vì trong tế lễ Việt Nam người ta cũng xướng như vậy.

    [152] Trong nguyên văn có cả ba lần cũng tỉ mỉ như lần thứ nhất và cũng in hệt như lần thứ nhất chỉ thay đổi người thôi. Ở đây chúng tôi lược bớt vì bạn đọc sẽ cho là thừa.

    [153] Sách do Khổng Tử soạn.

    [154] Cha Quách là Vương Huệ đầu hàng Ninh Vương đã nói ở trên.

    [155] Tàm Tùng tên vua đất Ba Thục đời thượng cổ; sau này dùng để chỉ về địa phương Tứ Xuyên

    [156] Ngờ là con Hùng cửu, tên một quái vật trong truyền thuyết thời xưa.

    [157] Hòa thượng đây là Vương Huệ sau khi đầu hàng Ninh Vương bỏ trốn lên Thành Đô; cạo đầu đi tu (xem hồi tám).

    [158] Hai người hiệp khách thời Chiến quốc, Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng không thành công. Nhiếp Chính giết tướng quốc nước Hàn tên là Hiệp Luỹ.

    [159] Cách báo tin thắng trận quá dễ dàng.

    [160] Thiệu Công đời Chu đi tuần hành thường nghỉ dưới cây cam đường xử việc. Sau dân nhớ công đức ông, không nỡ chặt cây cam đường

    [161] Lý Quảng đời Tây Hán, đánh giặc rất giỏi. Hung nô gọi là quan tướng bay. Nhưng vì bị gièm pha, nên không được phong hầu.

    [162] Theo các nhà khảo cứu hồi ba mươi tám và ba mươi chín, có nhiều chỗ không phải của Ngô Kính Tử vì văn của Ngô Kính Tử là văn hiện thực chỉ nhằm châm biếm xã hội, chứ không phải văn viết chuyện phiêu lưu, hoang đường. Những đoạn Quách Hiếu Tử mạo hiểm tìm cha và câu chuyện Tiêu Hạo Hiên trừng trị tên ác tăng Triệu Đại có tính chất của tiểu thuyết nghĩa hiệp lúc bấy giờ rất thịnh hành có lẽ do người khác đưa vào.

    [163] Cửa khuyết ở phía bắc cung điện nhà vua, vì vậy khi quay về phía kinh đô người ta cũng gọi là quay về bắc khuyết. Khuyết là cái cửa gồm hai cột trụ trên có lầu ở giữa để trống.

    [164] Quá trình biến đổi của Mộc Nại cũng đáng chú ý.

    [165] Định Viễn Hầu: Ban Siêu đời Đông Hán đi xa lập nhiều quân công ở Tây Vực; có công được phong làm Định Viễn Hầu.

    [166] Bá Tổng: chức quan võ nhỏ.

    [167] Tái ông mất ngựa: Có ông già ở chửa ải mất con ngựa, những người xung quanh đến chia buồn. Ông nói: ”Biết đâu đó lại là phúc”. Sau con ngựa ấy về với một con ngựa khác, những người xung quanh đến mừng, ông nói: “Biết đâu đó là hoạ!” Đứa con trai của ông cưỡi ngựa ngã gãy chân, những người xung quanh đến chia buồn, ông lại nói: “Biết đâu đó là phúc!”. Một năm sau người Hồ xâm lăng, những người trai tráng đều phải đi lính nên phần lớn chết trận, đứa con trai của ông vì què nên sống sót. Ý nói việc may rủi không thể biết ngay được.

    [168] Nhà để biểu dương một người nào.

    [169] Vũ Thư ví Tiêu Vân Tiên với Lý Quảng đời Hán hiệu là: “Phi tướng quân”, Lý Quảng đánh trận giỏi nhưng vì không được ai nâng đỡ nên đến già vẫn không được phong hầu.

    [170] Trong sách cổ có câu “Vi phú bất nhân” nghĩa là những kẻ làm giàu thì không có nhân nghĩa gì. Ngô Kinh Tử đặt cái tên cho anh chàng này thật là thích đáng.

    [171] Quan huyện thay đổi ý kiến quá dễ dàng.

    [172] Tào Bân danh tướng đời Tống lúc chết được phong làm Huệ Vương.

    [173] Hai nữ hiệp ở trong tiểu thuyết đời Đường. Xa Trung Nữ Tử có thuật phi hành nhanh như bay, cứu người trong chốn ngục sâu. Hồng Tuyến đã từng đêm khuya lẩn vào nhà hào phù lấy trộm hộp vàng bên gối nó. Từ đó nhà hào phú sợ không dám giết hại người nữa.

    [174] Thời chiến quốc, có một người đàn bà không chịu lấy Ngoại Hoàng là ngườì giàu và ngốc, sau người ấy lấy Trương Nhĩ được phong làm Triệu Vương.

    [175] A nguỳ: chất nhựa cây rất hôi dùng để làm thuốc, người ta còn cho nó trừ được ma.

    [176] Tức là tri huyện Thang ở hồi bốn.

    [177] Bảng nhỏ “lam đơn” hay “lam băng” là cái bảng ghi tên những người phạm quy. Ngày xưa thường gọi là “băng gót” trái với bảng gỗ ghi những người thi đỗ.

    [178] Lối xử kiện của quan huyện thực là kỳ quặc. Có quan huyện như thế không trách gì có nhiều giặc cướp.

    [179] Một dinh cơ năm trăm người, một hiệp có ba nghìn người.

    [180] Ngày ba mươi.

    [181] Quách Phác người đời Tần; tục truyền là tổ phong thủy; làm sách táng kinh. Sau bị Vương Đồn giết khi chính trưa.

    [182] Thời xưa có lệ chôn cất theo họ, trong vòng năm đời chôn ở một nơi.

    [183] Miêu tả cử chỉ của thầy phong thủy thực là sinh động.

    [184] Thôi Hạo thời Bắc Nguỵ giỏi cả văn chương và quân sự.

    [185] Lên chỗ cao tiễn nhau.

    [186] Tức là Quý Vi Tiêu. Theo âm Trung Quốc, chữ “Cát” và chữ Quý đọc gần như nhau.

    [187] Tú tài đến một tuổi nào đó có thể mặc áo quần tú tài.

    [188]Hai nhà văn nổi tiếng thời Hán

    [189] “Xú án” xú là thối ngược với “hương” là thơm. Đây Ngu Lương dùng lối chơi chữ.

    [190] Long đình: Hương án trên có lợp mái, ở trong đề bài vị, hương hoa, có thể khiêng đi.

    [191] Kinh Dịch nói “Cang long hữu hối” ý nói lúc tiến thì phải biết lui.

    [192] Bao tóc: cái lưới úp trên đầu cho tốc khỏi rối trước khi đội mũ.

    [193] Sức mạnh chuyển núi, lay thành cất được cái vạc; nói sức mạnh phi thường.

    [194] Kim Cương là phật Kim Cương, Cừ Vô Bá là người khổng lồ đời Hán đứng lên cao quá cửa thành. Ý nói những con người to lớn đời xưa.

    [195] Cơ quan quản lí các con hát dạy hát múa và phân phối họ để phục vụ sở thích của khách chơi.

    [196] Trần Mi Công là một nhà họa sĩ nổi tiếng đời Tống.

    [197] Sao “kế đô” là một thứ sao xấu, sao “hoa cái” cũng vậy. Theo mê tín thì các ngôi sao có ảnh hưởng đến số mệnh con người nên phải cúng, giải hạn.

    [198] Sao “kế đô” là một thứ sao xấu, sao “hoa cái” cũng vậy. Theo mê tín thì các ngôi sao có ảnh hưởng đến số mệnh con người nên phải cúng, giải hạn.

    [199] Hồ giống như cái diều con Oanh.

    [200] Ý nói người tuy chết nhưng đạo vẫn truyền cho đời sau.

    [201] 1595.

    [202] Những học trò giỏi của Khổng Tử có tiếng về mặt đức hạnh.

    [203] Lễ gia quan: ở Trung Quốc ngày xưa, khi con trai lên hai mươi tuổi thì làm lễ gia quan. Người cha trao mũ cho con ý nói từ nay con đã thành người lớn.

    [204] Thí chủ: người hay biếu nhà chùa lễ vật, tiền bạc.

    [205] Giấy cuốn lại để nhen lửa.

    [206] Sông Tần Hoài ở Nam Kinh.

    [207] Lò Mai Căn: một nơi đẹp ở Nam Kinh, ngày xưa đời Lục triều đúc sắt ở đây. Lò Mai Căn và làng Hoa Hạnh là cổ tích ở huyện Quý Từ tỉnh An Huy.

    [208] Sông Thương, tức là sông Hán Thuỷ ở Hoa Nam.

    [209] Kỳ cựu: bạn cũ.
     

Thành viên đang xem bài viết (Users: 0, Guests: 0)