FULL  Linh Dị Đạo Mộ Bút Ký - Nam Phái Tam Thúc

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. b1209049

    b1209049 Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    7/12/14
    Bài viết:
    4,806
    Được thích:
    20,915
    ĐẠO MỘ BÚT KÝ
    Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
    === oOo ===




     
    Chỉnh sửa cuối: 14/4/15
  2. b1209049

    b1209049 Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    7/12/14
    Bài viết:
    4,806
    Được thích:
    20,915
    ĐẠO MỘ BÚT KÝ
    Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
    === oOo ===
    Q.1 - Chương 1: Cổ Mộ

    Nguồn: thuynguyetvien.wordpress.com


    Chiếc di động kia hẳn là mới bỏ lại chưa lâu, tôi vừa nhặt lên liền thấy ngay vệt máu loãng dính trên đó, tức thì có linh cảm không lành: “Xem ra nơi này còn một nhóm khác, hơn nữa hình như có người bị thương. Điện thoại làm sao từ trên trời rơi xuống được?”

    Tôi mở nắp máy, trên màn hình có mấy dãy số liền nhau đều là số điện thoại ngoại quốc, ngoài ra cũng không thu được thêm thông tin gì. Chú Ba nói: “Dù thế nào chúng ta cũng không thể đi tìm họ, trước mắt cứ lên đường đã.” Tôi xem xét bốn phía chẳng có chút manh mối, đành phải mở đường tiếp tục đi. Tuy vậy, giữa vùng hoang sơn dã lĩnh lại bắt gặp một thứ đồ từ thế giới văn minh vẫn cảm thấy thật khó tưởng tượng. Tôi lên tiếng hỏi lão già kia, ngoài chúng tôi ra có ai khác tiến vào khu rừng này hay không.

    Lão cười hề hề đáp: “Cách đây hai tuần có một toán khoảng trên mười người, đến nay vẫn chưa thấy trở ra. Nơi đây rất nguy hiểm, các vị, giờ quay lại vẫn còn kịp đó.”

    “Cứ cho là có yêu ma quỷ quái thì đã sao?” Đại Khuê nói “Nói cho ông biết, cương thi ngàn năm gặp anh chàng này của chúng tôi còn phải phục xuống dập đầu, có hắn ở đây thì yêu quái nhằm nhò gì, đúng không?” Hắn hỏi Muộn Du Bình, Muộn Du Bình không có chút phản ứng, như thể xem lời hắn nói là không khí vậy. Đại Khuê như đụng phải gai, bực tức cũng chẳng làm gì được.

    Chúng tôi lặng lẽ đi tiếp. Chưa đến bốn giờ chiều mà đất trời đã tối tăm mù mịt, rốt cuộc cũng đến nơi cần đến.

    Thứ đầu tiên đập vào mắt là mười mấy chiếc lều trại quân dụng hầu như còn nguyên vẹn. Đây là loại lều chất lượng cực kỳ tốt, tuy trên nóc phủ đầy lá rụng đang mục nát nhưng bên trong khô ráo sạch sẽ, ngoài ra còn có không ít vật dụng thông thường. Chúng tôi cứ tùy tiện xem xét, xung quanh rải rác vô số vũ khí quân trang nhưng hoàn toàn không có thi thể, ông già kia chưa hẳn đã nói dối.

    Thậm chí chúng tôi còn tìm được cả một chiếc máy phát điện cùng mấy ống đựng xăng, tuy động cơ đã được tra dầu nhưng phần lớn linh kiện đều rơi vào tình trạng rỉ sét. Bàn Khuê thử khởi động thì không có chút động tĩnh gì, chỉ có xăng vẫn ok. Tôi thử lật đi lật lại, phát hiện ra tất cả đồ đạc đều bị xé nhãn, ngay cả nhãn hiệu lều trại và ba lô của bọn họ cũng trống trơn, thật là kỳ quái. Có vẻ như, những người này một mực không muốn kẻ khác lần ra lai lịch của họ.

    Chúng tôi ở lại doanh địa đó nhóm lửa rồi ăn qua quýt một bữa cơm chiều. Lão già vừa ăn vừa mắt la mày lét cảnh giác nhìn bốn phía như thể sợ yêu quái sẽ đột nhiên xông vào mà treo cổ lão lên vậy. Mấy thứ đồ ăn đóng hộp, thực lòng mà nói vô cùng khó nuốt, tôi hầu như chỉ uống vài ngụm nước cho qua bữa.

    Muộn Du Bình vừa ăn vừa xem bản đồ, hắn chỉ vào một địa điểm có vẽ hình mặt hồ ly quái dị trên đó: “Hiện giờ chắc chắn chúng ta đang ở đây.”

    Sau khi chúng tôi đã nhìn rõ, hắn nói tiếp: “Chỗ này là nơi cúng tế, phía dưới hẳn là đài cúng tế. Những đồ bồi táng có lẽ ở ngay đây thôi.”

    Chú Ba ngồi xổm trên mặt đất vốc một nắm đất đưa lên mũi ngửi qua, lắc đầu rồi tiến vài bước, lại xem xét rồi nói: “Chôn sâu quá, lấy xẻng cắm xuống thử xem.”

    Chúng tôi lấy ống thép có rãnh xoáy ra lắp lưỡi xẻng vào, chú Ba lấy chân vạch mấy vệt trên mặt đất đánh dấu vị trí cần đào. Đại Khuê đầu tiên cố định đầu xẻng, sau đó lấy búa cán ngắn gõ lên, xẻng bắt đầu lún sâu xuống đất. Chú Ba đặt một bàn tay lên cán xẻng để cảm nhận tình hình bên dưới. Khi gõ đến ống thứ mười ba, chú đột nhiên nói: “Đủ rồi!”

    Chúng tôi rút dần từng khúc từng khúc cán xẻng, cuối cùng cũng lấy được một ít đất. Đại Khuê tháo lưỡi xẻng ra mang đến gần đống lửa cho chúng tôi nhìn rõ. Tôi và chú Ba vừa thấy, tức thì mặt mũi đều tái đi, ngay cả Muộn Du Bình cũng “a” lên một tiếng. Hóa ra thứ đất kia giống như thấm đẫm máu, giờ đang tí tách rỉ ra thứ chất lỏng y hệt máu tươi.

    Chú Ba ngửi(*) thử rồi nhíu mày. Tôi và chú Ba đã từng xem qua ghi chép về huyết thi, nhưng tình hình cụ thể thế nào, chỉ dựa vào bút ký của ông nội tôi thì không thể suy đoán được một cách chuẩn xác. Nhưng có một điều chắc chắn, nếu bùn đất ngấm máu thế kia thì dưới mộ chắc chắn đầy những bất trắc.

    (*) Người ta dùng xẻng sắt xiên xuống đất rồi ngửi các thứ mùi để xác định thành phần đất, còn xẻng Lạc Dương khi xiên xuống mang đất lên chỉ cần dùng mắt cũng đủ quan sát được các thành phần thổ nhưỡng. Do chất đất ở đây quá bất thường nên mới phải ngửi, còn cơ bản, ở đây vẫn dùng xẻng Lạc Dương.

    Tôi nhìn chú Ba chờ xem chú quyết định thế nào. Chú ngẫm nghĩ một hồi, châm một điếu thuốc rồi nói: “Mặc kệ đi, cứ đào ra rồi tính.”

    Bên kia, Phan Tử và Đại Khuê cũng không ngừng tay, Đại Khuê sục xẻng xuống mấy lần đều đưa lưỡi xẻng cho chú Ba. Chú Ba ngửi thử từng lưỡi một, sau đó dùng bay nối liền những điểm cắm xẻng vào nhau. Tôi đứng nhìn họ bận rộn định vị, cuối cùng trên mặt đất dần hiện ra hình dạng sơ lược của cổ mộ.

    Dò tìm vị trí mộ huyệt là kiến thức cơ bản của dân trộm mộ, có thể nói, đồ hình trên mặt đất thế nào, mộ bên dưới chắc chắn giống y như vậy, rất ít người tính toán sai, nhưng tôi xem qua cấu trúc này âm thầm cảm thấy có điều không ổn. Hầu như toàn bộ cổ mộ thời Chiến quốc không có địa cung, nhưng lăng mộ bên dưới này rõ ràng là có, hơn nữa nóc mộ còn xây bằng gạch, không bình thường chút nào.

    Chú Ba đưa mấy ngón tay tỉ mỉ đo đạc, cuối cùng chỉ vào vị trí hạ quan tài vừa xác định được, nói: “Bên dưới đã là đỉnh mộ, không thể đâm xẻng xuống được nữa, thôi thì chỉ xác định được vị trí đại khái. Cái địa cung này rất quái, ta chẳng có tí kiến thức nào cả, đành dựa theo cổ mộ thời Tống, đào vào từ tường hậu. Nếu không được còn tìm cách khác, nhanh tay nhanh chân lên một chút!”

    Mấy người chú Ba đã đi đào hầm trộm mộ dễ đến mười mấy năm, tốc độ như điện, mấy lưỡi xẻng nhấc lên hạ xuống như gió cuốn, trong chốc lát đã đào được cái động sâu tầm bảy tám mét. Đây vốn là vùng hoang dã, đất đai chẳng phải của ai, chúng tôi cứ thế xúc bùn ra. Lát sau đã nghe Đại Khuê gào lên phía bên dưới: “Quá chuẩn!”

    Hang Đại Khuê đào rất lớn, gần như thủng hẳn một mảng tường mộ. Chúng tôi bật đèn mỏ soi vào bên trong, Muộn Du Bình thấy Đại Khuê tay chân khua loạn vào vách tường vội vã ngăn lại: “Đừng có chạm vào cái gì hết!”. Ánh mắt Muộn Du Bình sắc như dao tức khắc khiến Đại Khuê sợ đến nhảy dựng lên.

    Hắn vươn hai ngón tay đặt lên mặt tường, chậm rãi lần theo từng kẽ gạch, một lúc lâu sau mới dừng lại mà nói: “Nơi này có tường kép chống trộm. Muốn trộm, phải lôi từng viên gạch ra. Không thể đẩy vào, phá lại càng không được.”

    Phan Tử sờ sờ tường, thốt lên: “Sao có thể như thế được, ngay cả kẽ hở cũng không có? Thế này thì lôi gạch ra kiểu gì?”

    Muộn Du Bình cẩn thận quan sát một lúc, hắn chạm vào một viên gạch, đột ngột tăng lực trên tay rút viên gạch đó ra khỏi vách tường. Gạch xây chắc chắn như vậy, chỉ dùng tay không mà rút cả viên gạch, chẳng hiểu hắn phải dùng đến bao nhiêu sức lực nữa. Hai ngón tay của hắn quả nhiên không tầm thường chút nào.

    Hắn cẩn thận đặt viên gạch xuống đất, chỉ vào mặt sau. Chúng tôi chụm đầu vào nhìn, trông thấy rõ ràng một lớp sáp đỏ sậm.

    “Những lớp tường này khi xây đều sử dụng a-xít, khi phá tường, chỉ cần chúng ta mạnh tay một chút, thứ a-xít này sẽ bắn vào người đến cháy thịt cháy da.”

    Tôi nuốt nước bọt, đột nhiên nghĩ tới con quái vật tượt da mà ông nội đã nhìn thấy. Không lẽ đó không phải huyết thi, mà chính là ông cố bị đổ a-xít lên người? Không lẽ những phát súng mà ông nội bắn, chính là bắn vào ông cố?

    Muộn Du Bình bảo Bàn Khuê đào một cái hố nhỏ sâu chừng năm thước rồi lấy trong túi ra một đầu kim tiêm cùng ống nhựa dẻo, cắm kim vào ống sau đó đem thả đầu kia vào hố. Phan Tử thổi ống giữ lửa (1) đốt đỏ đầu kim lên, Muộn Du Bình cẩn thận cắm ngập đầu kim vào lớp sáp trên tường. Ngay lập tức, a-xít đỏ rực theo đường ống chảy xuống hố đã được đào sẵn.

    Không bao lâu, lớp sáp đỏ đã chuyển sang màu trắng toát, hình như còn có thứ gì đó lấp lánh. Muộn Du Bình gật gật đầu: “Được rồi.” Chúng tôi tức thì bắt tay vào đào. Chẳng mấy chốc, một hang động đủ cho một người chui qua đã hiện ra trên vách tường. Chú Ba thổi lửa soi vào động, theo ánh lửa mà quan sát bên trong.

    Chúng tôi tiến vào từ hướng Bắc, vừa đi vừa nhìn ngó xung quanh. Trên mặt đất lát bằng toàn những phiến đá tảng, bên trên khắc chi chít văn tự cổ đại. Những phiến đá này đều được sắp xếp theo phương vị bát quái, bên ngoài là tảng to, càng vào bên trong càng nhỏ. Bốn phía huyệt mộ là tám ngọn Trường minh đăng(2), tất nhiên đều đã tắt ngóm từ lâu. Giữa huyệt bày một chiếc đỉnh vuông bốn chân, trên có biểu tượng mặt trăng, mặt trời và các vì sao. Phía Nam mộ thất, ngay hướng đối diện chúng tôi đặt một quan tài đá. Phía sau quan tài là một lối đi, hình như là hướng xuống dưới, không rõ nó dẫn đến nơi quái quỷ nào nữa.

    Chú Ba bước tới nghe ngóng thăm dò, sau đó vẫy vẫy tay, chúng tôi lần lượt từng người chui vào.

    Chú nhìn những văn tự chằng chịt trên mặt đất, quay sang hỏi Muộn Du Bình: “Tiểu Ca, cậu xem những chữ này, liệu có luận ra được nơi đây mai táng người nào không?”

    Muộn Du Bình lắc đầu không nói gì.

    Chúng tôi châm lửa thắp vào Trường minh đăng, cả mộ thất tức khắc sáng bừng lên. Tôi lại liên tưởng đến con quái vật trong bút ký của ông nội, hình như…ông còn nhiều lần nhắc đến việc nghe thấy tiếng cười kèng kẹc, nghĩ đến đây tôi bất giác sợ run lên. Phan Tử bước đến gần cái đỉnh, nghiêng đầu ngó vào xem có gì bên trong. Đột nhiên, hắn hô lên một tiếng: “Lão Ba, ở đây có báu vật!”

    Chúng tôi đều tiến lên xem, thấy ngay một cái xác không đầu khô quắt, quần áo đã rữa nát hết, trên người nó có vài món trang sức bằng ngọc. Gã Phan Tử làm ẩu không thèm nể mặt người chết, thẳng tay giật khối ngọc xuống.

    “Chắc đây là thân thể của người theo bồi táng ở thế giới bên kia. Họ chặt đầu tế trời, sau đó mang xác đến đây tế người. Kẻ này có lẽ là tù binh, thân phận nô lệ làm sao có được thứ trang sức kia.”

    Phan Tử đột ngột co chân nhảy vào trong đỉnh để mò mẫm thêm bảo vật, Muộn Du Bình muốn ngăn cũng không kịp, chỉ còn biết quay đầu lại cảnh giác nhìn chiếc quan tài đá, cũng may nó vẫn im lìm không có động tĩnh gì. Chú Ba quát loạn: “Thằng kia, đỉnh này là đồ đựng tế phẩm người ta dùng để cúng bái cho tổ tiên, cái thằng oắt nhà mày muốn thành tế phẩm hay sao?!”

    Phan Tử cười ha hả: “Lão Ba, tôi đây đâu phải Đại Khuê, đừng có dọa tôi.” Hắn lấy thêm một cái bình ngọc lớn: “Ông nhìn đi, toàn những thứ thượng hạng, theo tôi chúng ta đổ quách cái đỉnh này ra xem bên trong còn có những gì…”

    “Đừng có làm bậy, mày vác xác ra ngay đi!” Chú Ba nói, lo lắng nhìn sắc mặt Muộn Du Bình lúc này đã tái đi, ánh mắt gắt gao dán chặt vào quan tài đá như thể biết chắc sẽ có chuyện chẳng lành.

    Đúng lúc đó, tôi chợt nghe một tiếng cười khành khạch. Tôi quay đầu, xương sống một đợt gai lạnh. Tiếng cười kia không phát ra từ quan tài, mà chính là từ Muộn Du Bình vọng lại.

    —————————————-

    Chú thích

    (1) Nguyên văn: Hỏa chiết tử. Bộ dụng cụ lấy lửa thời xưa gồm que đánh lửa, đá lửa và ống giữ lửa. Trong đó ống giữ lửa rất tiện dụng, là một ống đựng mồi lửa có thể đem theo bên mình, khi cần có thể rút ra châm lửa hoặc dùng thay cho đuốc thắp sáng. Phương pháp làm ống giữ lửa là lấy dây khoai trắng hoặc tím ngâm trong nước cho nở, vớt ra đập dập, lại ngâm chung thêm với bông vải, bông lau vớt ra đập dập, phơi khô, trộn thêm các loại vật liệu dễ cháy như kali, lưu huỳnh, nhựa thông, long não chế thành. Xong xuôi bện lại thành dây thừng hoặc buộc thành hình ống dài nén vào ống trúc, châm lửa cho cháy ngún rồi đậy kín lại, lúc cần dùng rút nắp ra là cháy, rất dễ cháy, là loại vua chúa hoặc nhà có tiền sử dụng. Nhà bình thường có thể dùng các loại giấy cắt thành dạng dài hơn ống trúc, cuộn đều tay, nhét vào trong ống. Sau đó châm lửa, rồi đậy nắp thông gió lại, tàn lửa sẽ được giữ trong ống. Lúc cần dùng bật nắp, thổi nhè nhẹ để lửa cháy lên, khi thổi cần phải có kỹ thuật thì lửa mới cháy lên được.

    Đây là mô tả trên baidu, tả ống giữ lửa thời phong kiến, mình nghĩ loại dùng trong truyện là loại có tẩm vật liệu dễ cháy, chỉ cần rút nắp ra để tàn lửa âm ỉ trong ống tiếp xúc với oxy là lửa sẽ lập tức bùng lên.

    Hình:

    (1) Trường minh đăng:

    长明灯

    Đèn thắp để thờ cúng, là loại đèn không thể thổi tắt mà qua một thời gian sẽ tự tắt, còn có tên khác là Minh đăng, hoặc Vô tận đăng. Lăng mộ vua chúa Trung Hoa cũng đặt Trường minh đăng với hi vọng lăng mộ sáng tỏ huy hoàng như cung điện lúc sinh thời

     
  3. b1209049

    b1209049 Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    7/12/14
    Bài viết:
    4,806
    Được thích:
    20,915
    ĐẠO MỘ BÚT KÝ
    Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
    === oOo ===
    Q.1 - Chương 2: 50 Năm Sau

    Nguồn: thuynguyetvien.wordpress.com


    Năm mươi năm sau, tòa nhà Tây Linh đường Hà Phường, Hàng Châu, suy nghĩ của tôi bị một lão già cắt đứt. Tôi khép lại bút ký của ông nội, quan sát đối phương.

    “Chỗ cậu có nhận bản dập(1) không?” Gã hỏi tôi, bộ dạng cổ quái, dường như có ý đồ gì đặc biệt mới đến.

    Tôi cũng không quan tâm đến việc buôn bán hiện giờ. Phần lớn giao dịch trong chợ đồ cổ đều tiến hành lén lút cả, mua bán công khai thì chỉ toàn những thứ lặt vặt, không kiếm được bao nhiêu tiền, vì vậy liền đáp lấy lệ: “Nhận, nhưng giá không cao.” Ý là, lão không có đồ tốt thì mau cút, đừng làm phiền đại gia đọc sách.

    “Ha, vậy cậu có thể giới thiệu một chút về những món đồ ở đây không?” Tên kia hỏi, bộ dạng nhàn nhã như đi dạo siêu thị.

    Tôi có chút sốt ruột, làm nghề này muốn khai trương phải mất ba năm, thường ngày nhàn rỗi quen rồi, ghét nhất phải hầu hạ mấy vị khách kiến thức nửa vời. Mấy thứ đồ cổ này, mỗi cái đều mang theo một câu chuyện riêng, nếu phải kể lần lượt ra thì nói cả ngày vẫn chưa hết. Nếu vị khách nào cũng tới đây bảo bọn tôi giới thiệu thì thà dẹp tiệm mà mở quán trà luôn đi cho xong.

    Tôi xua tay, nói ở đây không phụ trách giới thiệu, bên cạnh còn có nhiều hàng, mời qua đó xem.

    Người nọ lại lấm lét liếc nhìn tôi, vẫn không chịu đi, lại hỏi: “Vậy cho tôi hỏi thăm một chút, ở đây có bản dập của sách lụa thời Chiến quốc không? Chính là quyển mà năm mươi năm trước mấy tên thổ phu tử trộm ra ở Trường Sa, lại bị người Mỹ lừa đoạt mất?”

    “Chính anh cũng nói đã bị người Mỹ đoạt mất, lấy đâu ra nữa.” Tôi vừa nghe liền nổi nóng. “Muốn tìm bản dập đương nhiên phải tìm trên thị trường, đâu ra chuyện chỉ tìm ở một cửa hàng, làm sao tìm ra nổi?”

    Gã hạ giọng: “Chẳng giấu gì cậu, tôi được lão Dương giới thiệu tới đây. Lão Dương nói cậu nhất định có cách.”

    Tôi vừa nghe thấy cái tên lão Dương này, trong lòng kinh ngạc. Lão Dương không phải năm ngoái vừa bị bắt sao, sao lại, chẳng lẽ khai tôi ra rồi sao? Vậy cái người trước mặt này không phải công an chứ, tôi bỗng có chút hoảng loạn, nói cũng không nên lời: “Lão… lão Dương nào chứ, tôi không quen.”

    “Tôi hiểu tôi hiểu,” Gã cười ha ha, lấy ra một cái đồng hồ đeo tay từ trong ngực, “Cậu xem, lão Dương nói cậu nhìn thấy cái này sẽ hiểu.”

    Chiếc đồng hồ đó là do mối tình đầu của lão Dương đưa cho lão khi còn ở Đông Bắc. Lão coi cái đồng hồ này như tính mệnh, uống say còn hay lấy nó ra vừa nhìn vừa kêu “Quyên a, Lệ a”, tôi hỏi lão con mẹ nó rốt cuộc lão muốn kêu cái gì, lão nghĩ nghĩ nửa ngày, rồi bỗng òa khóc, nói con mẹ nó ta quên rồi. Nếu lão Dương đã đưa chiếc đồng hồ cho người này, nhất định gã cũng phải có chút địa vị.

    Nhưng tôi nhìn sao cũng chỉ thấy gương mặt người này có vẻ gì đó xấu xa, không giống loại người đứng đắn, nhưng người do lão Dương giới thiệu, tôi cũng nên nể mặt một chút. Huống chi người ta đã tìm đến cửa, nếu nói cũng không để gã nói hết, không chừng sẽ gây thù chuốc oán.

    Tôi suy nghĩ một chút, quyết định vẫn nên nói thẳng thì hơn, liền khoát tay: “Anh này, vậy coi như anh là bạn của lão Dương, tìm tôi có chuyện gì?”

    Gã nhe răng cười, lộ ra một cái răng vàng to tướng. “Tôi có một anh bạn mang một ít đồ từ Sơn Tây về, muốn nhờ cậu xem hộ, liệu có phải là đồ thật không.”

    Tôi vừa nghe qua, đại khái cũng hiểu một chút. Cái tên điểu nhân (chết tiệt) này không phải là trộm mộ sao, chắc là tha ra được đồ gì tốt tốt mà chưa thấy bao giờ, muốn tìm người định giá. Con mẹ nó đúng là trong rừng loại chim nào cũng có, tên này lại còn dám xông vào cửa hàng đồ cổ chính quy.

    Bất quá dạng người này giống nhau ở điểm không cần mạng sống, không đắc tội vẫn hơn. Tôi cố gắng nở nụ cười chuẩn mực của nghề kinh doanh, nói với gã: “Nghe giọng anh đặc sệt chất Bắc Kinh, Bắc Kinh rộng lớn, anh lại lặn lội đến tận phía nam tìm tôi cố vấn, thật đề cao tôi quá rồi. Bắc Kinh có bao nhiêu người giỏi, chỉ sợ anh có ý khác thôi!”

    Gã cười ha ha: “Ai cũng nói người phương nam khôn khéo, quả không sai chút nào. Tuổi cậu nhìn cũng không cao, vậy mà đã nhìn người rất chuẩn. Nói thật, lần này tôi đến, đúng là không phải tìm cậu, tôi muốn gặp lão thái gia (ông nội) nhà cậu có được không?”

    Trong lòng tôi bỗng chấn động mạnh, sắc mặt cũng biến đổi. Chuyện về ông nội tôi rất kì lạ, người biết ông rất ít, giờ có người tới hỏi thì quá nửa là chuyện không hay, liền lạnh lùng hỏi gã: “Anh tìm ông nội tôi làm gì?”

    Tên răng vàng kia nhìn sắc mặt tôi thoáng cái trở nên khó coi, cũng hoảng sợ, vội vã phân trần: “Không có ý gì, không có ý gì, tôi chỉ là một người ham mê đồ cổ bình thường, chỉ muốn biết lão thái gia nhà cậu năm đó sau khi lấy được quyển sách lụa thời Chiến quốc trên đỉnh Phiêu Tử Lĩnh Trường Sa, có lưu lại một hai bản dập không? Chúng tôi muốn mua một quyển, xem có giống quyển trên tay chúng tôi không?”

    Gã còn chưa nói xong, tôi đã quay qua tên trợ lý đang ngủ gà ngủ gật bên cạnh quát to: “Vương Minh, tiễn khách!”

    Gã răng vàng vội vàng: “Đừng nóng nha, sao mới nói một chút đã vội đuổi người chứ?”

    Tôi nói anh tới muộn quá rồi, lão gia tử nhà tôi năm ngoái vừa mất, nếu anh muốn tìm người, quay về tìm một cái cây mà treo cổ, may ra còn gặp được! Vừa nói vừa đẩy gã ra ngoài, đuổi đến tận ngoài cửa.

    Gã răng vàng mặt dày mày dạn, ôm chặt lấy cây cột ngoài cửa, sống chết không chịu đi, kêu to: “Đừng nóng đừng nóng, để tôi nói thêm một câu, một câu nữa thôi!”

    Tôi túm nửa ngày vẫn không kéo nổi gã, cũng chẳng còn cách nào khác, mắng: “Có chuyện gì thì nói mau, đừng cản trở việc buôn bán của tôi!”

    “Tên nhóc nhà ngươi, nói thế nào cũng không lọt tai được.” Gã cười tà. “Lão gia tử mất rồi cũng không sao, tôi cũng không bảo nhất định phải gặp mà. Dù gì cậu cũng nên nhìn thứ tôi mang đến chứ, nể mặt lão Dương một chút không được sao?”

    Tôi nhìn gã một cái, gã thuộc dạng ngoài cười nhưng trong không cười, cố tình bày ra cái bộ dạng vô lại bám dai như đỉa này, quả nhiên đã thu hút được một đoàn du khách bên ngoài tới vây kín xung quanh. Nếu tiếp tục ầm ĩ, chắc chắn tôi sẽ có tên trong báo ngày mai, không thể làm gì khác hơn là gật đầu: “Vậy cũng được, anh vào trong đi, chúng ta từ từ xem xét, đừng có ở đây làm trò khỉ nữa. Nhưng tôi cũng cảnh báo trước, có nhìn ra kết quả gì không, tôi cũng không dám chắc.”

    “Đã biết đã biết, tôi cũng là người trong nghề, quy tắc này tôi hiểu mà!”

    Kỳ thực sách lụa Chiến quốc có tất cả hơn 20 quyển, không quyển nào giống quyển nào. Quyển ông nội tôi trộm được chỉ là một phần rất nhỏ trong số đó, năm đó quả thực có một bản dập còn lưu giữ đến tận bây giờ, là bảo bối được đặt dưới đáy hòm trong số gia tài của nhà tôi, người ngoài dù có tiền cũng không mua được. Câu chuyện tôi bịa ra rất liền mạch, gã này tuyệt đối không thể phát hiện ra.

    Mấy người chúng tôi trở vào nhà, tôi bảo Vương Minh rót cho gã chết dẫm này một chén trà, để gã lấy đồ ra. Gã răng vàng có chút ngượng ngùng móc ra từ trong ngực một cuộn giấy trắng đưa tôi. Tôi vừa nhìn liền nổi giận, chết tiệt, không ngờ lại là một tập giấy photo.

    “Cái đó à, bảo bối làm sao có thể đem đi khắp nơi được, lỡ run tay một cái vỡ mất thì sao.” Gã nói, còn giả vờ hạ giọng ra vẻ thần bí: “Nếu tôi không phòng bị kĩ càng, thứ này đã sớm bị bán ra nước ngoài rồi. Việc tôi làm cũng coi như là vì nhân dân phục vụ, đúng không?”

    Tôi cười ha ha. “Nhìn bộ dáng anh chẳng qua chỉ là một tên trộm mộ, tôi thấy anh không dám ra tay thì có. Đây là quốc bảo, anh có nghĩ cũng không dám làm!”

    Bị tôi vạch trần lời này, gương mặt gã lại tái đi, nhưng gã có chuyện cầu tôi, vẫn phải nhịn, nói: “Cũng không thể nói như vậy, mỗi nghề có một quy tắc riêng, nhớ năm đó lão gia tử nhà cậu làm thổ phu tử ở Trường Sa, cũng nức tiếng xa gần…”

    Tôi giơ một ngón tay dí vào mũi gã, nói: ”Chuyện của anh tốt nhất đừng dài quá, nếu còn nhắc đến ông tôi lần nữa, thứ này anh cầm về từ từ mà xem!”

    “Được được, tôi không nói, cậu mau mau xem cho tôi, tôi cũng có thể biến nhanh một chút.”

    Tôi mở trang đầu, vừa nhìn hàng chữ bên trong đã nhận ra đây là một bản sách lụa Chiến quốc được bảo tồn vô cùng hoàn hảo, nhưng không phải là phần ông tôi đã trộm được. Nhưng nhìn kĩ hơn, lại phát hiện ra nó hơi khác chính phẩm một chút. Nếu đã đồng ý xem giúp người ta thì cũng không thể xem qua loa cho xong, kẻo sau đó bọn họ lại chạy tới tìm tôi gây phiền phức, liền lấy kính lúp ra soi đồ, kiểm tra tỉ mỉ.

    Nhìn khoảng một nén hương, tôi mới đưa ra được kết luận, lắc đầu với gã răng vàng đang nhìn tôi đầy mong đợi, nói:“Tuy theo các đường chỉ giấy trên bản photo có thể nhìn ra niên đại cũng khá lâu, nhưng chắc là đồ dỏm vài triều sau đó thôi, nói cách khác là đổ cổ giả lỗi thời. Đây là một trường hợp rất khó hiểu, bản photo này của anh lại quá xấu, tôi cũng không nhìn ra điểm gì đặc biệt, chỉ có thể đoán là thời Hán gì đó, nói sao đây, anh nói nó là giả, cũng không phải giả, nói là thật, cũng không phải thật, chính là một vật như vậy.”

    “Vậy có phải là phần ông nội cậu trộm được không?”

    “Nói thật với anh, phần ông tôi trộm được ông còn chưa kịp xem qua đã bị người Mỹ lừa lấy mất, chuyện này tôi thực sự không trả lời anh được.” Tôi tỏ vẻ vô cùng thành khẩn thở dài, nghĩ thầm, nếu gã biết trong tay tôi có bản dập, nhất định sẽ truyền ra ngoài, rồi lại thêm nhiều người nữa tới tìm thì chết dở, không bằng phỉnh gã một chút, để gã biến đi nơi khác cho khuất mắt.

    Gã răng vàng chăm chú nhìn tôi, có vẻ tin thật, thở dài: ”Thật xui xẻo, xem ra không tìm được người Mỹ kia thì thật sự không còn hi vọng gì rồi.”

    “Sao, các anh có vẻ rất để ý đến quyển này?” Tôi hỏi, cảm thấy chuyện này quá kì quái, sách cổ được cất giấu muốn có đều phải xem duyên phận thế nào, muốn tìm đủ trọn bộ sách cổ thời Chiến quốc hơn 20 quyển ấy à, thật sự quá tham lam.

    “Người anh em, không lừa cậu, tôi thực sự không phải trộm mộ. Cậu xem thân thể tôi toàn xương, làm sao mà chịu nổi công việc ấy chứ. Nhưng bạn tôi thì đúng là dân trong nghề, tôi cũng không biết hắn là đầu dây buôn bán gì, nói chung, người ta có cái lý của người ta, tôi cũng không hỏi nhiều.” Gã cười ha hả, lắc đầu lại than thở vài cái: “Thôi được rồi, nếu cậu đã nói vậy, tôi cũng hết hi vọng. Không làm phiền cậu em nữa, tôi đi trước.”

    Nói xong gã đứng dậy, cúi chào tôi một cái, sau đó bước đi không thèm quay đầu lại. Tôi thấy gã thất vọng tràn trề, trong lòng cũng có chút không đành, có điều làm nghề này phải cẩn thận tuyệt đối. Chuyện của gã chẳng thấm vào đâu, tôi không giúp được thì cùng lắm gã tốn thêm ít thời gian thôi, tôi nghĩ một chút cũng nguôi ngoai.

    Bỗng tôi phát hiện ra gã quên mang tập giấy photo kia đi, có thể là vì đã chịu cú sốc quá lớn. Tôi tiện tay cầm nó lên xem qua nội dung, chẳng ngờ lại phát hiện ra một hình vẽ khá thú vị. Đó là một gương mặt người giống hệt hồ ly với đôi mắt không tròng, cảm giác rất chân thực, cứ như nổi lên trên tờ giấy, khiến tôi không khỏi hít vài ngụm khí lạnh. Vừa rồi tôi chỉ để ý đến chuyện phán đoán niên đại của nó, không xem kĩ nội dung, hiện giờ xem ra đây cũng là một trân phẩm cực kỳ hiếm gặp. Chờ lão Dương ra tù, dùng bản photo này tạo một bản dập giả cũng vui.

    Tôi dùng máy ảnh kĩ thuật số vội vã chụp lại, rồi đưa tập giấy cho Vương Minh ở bên ngoài, bảo nếu gã răng vàng kia trở lại liền trả cho gã, miễn cho gã nói tôi cố tình chiếm lợi.

    Ông nội tôi là thổ phu tử ở Trường Sa, chính là kẻ trộm mộ. Ông hành nghề này cũng không phải chuyện lạ, mà theo cách nói bây giờ chính là cha truyền con nối. Năm cụ tổ tôi tròn mười ba tuổi, vùng Hoa Trung gặp nạn hạn hán, thời ấy, vừa có hạn hán liền xảy ra nạn đói, dù bạn có tiền cũng không mua được đồ ăn. Khắp Trường Sa chẳng có gì cả, chỉ có cổ mộ là nhiều, vì vậy dựa vào núi non chỉ ăn được ba bữa, dựa vào mộ còn khá hơn, toàn bộ thôn dân đều thành trộm mộ. Năm đó không biết có bao nhiêu người chết đói, chỉ có thôn họ chẳng có ai chết, đều dùng đồ đào được mà đổi lương thực với người nước ngoài.

    Sau một thời gian dài, nó đã biến thành văn hóa tích lũy nhiều đời. Đến thế hệ ông nội tôi, đã thành luật lệ, chia ra thành môn phái. Trong lịch sử, trộm mộ phân ra làm hai phái Nam Bắc, dựa vào thói quen của thổ phu tử mà chia, nếu là thuộc Nam phái, chủ yếu thường dựa vào đất tìm cổ mộ. Trước thời Dân quốc thì dùng dùi dò xét, sau thời Dân quốc thì dùng xẻng Lạc Dương, cắm xuống một nhát là có thể kết luận triều đại gần hay xa, hiện giờ có rất nhiều tiểu thuyết động một tí là miêu tả đến xẻng Lạc Dương, nhưng kì thực Bắc phái không dùng nó. Bọn họ thiên về tính vị trí lăng mộ, phán đoán chuẩn xác kết cấu, cũng chính là cái người ta gọi là tầm long điểm huyệt. (2)

    Nam Bắc phái là hai đại phái do văn nhân mặc sĩ chia ra, vốn không liên quan đến chuyện trên giang hồ. Sau nhiều lần loạn thế, cũng có nhiều người nửa chừng đổi nghề, dần dần đưa mấy từ này đến chỗ chúng tôi. Ông nội tôi trước đây chưa từng phân định rõ ràng, sau khi đám đồ đệ hỏi tới, mới nhận ra cách làm của mình đại khái thuộc về Nam phái. Hai phái kể từ khi được xác lập vẫn không ngừng phân tranh, Nam phái nói Bắc phái không thành thật, lòng đầy mưu mô, trộm một ngôi mộ còn bày ra nhiều trò như vậy, vào cầm đồ đi thì thôi, còn muốn đi một bước vái lạy một cái, quan liêu. Quy củ của Nam phái không nhiều, mà cũng không kiêng kị người đã chết, Bắc phái liền mắng Nam phái là chó tạp chủng, làm hỏng văn vật, đã đào là không gì không sụp, ngay cả người chết cũng dùng kiếm tiền. Nam phái lại mắng Bắc phái là ngụy quân tử, rõ ràng chỉ là tên trộm mộ mà còn ra vẻ. Sau đó người trong hai phái mỗi khi đụng mặt đều ầm ĩ đòi sống mái với nhau, bên Tương Tây còn xảy ra chuyện tranh giành thi thể, cuối cùng hai phái đành lấy sông Trường Giang làm ranh giới, Bắc phái gọi là đổ đấu (3), Nam phái gọi là đào cát hoặc đào đất. Xẻng Lạc Dương phát minh ra sau khi phân chia, người Bắc phái căn bản không thèm sử dụng.

    Rồi tới giải phóng, giới hạn của Nam Bắc phái cũng không còn rõ ràng như vậy nữa. Ông tôi nói mình là Nam phái, nhưng một đám anh em của ông cũng có không ít người Bắc phái, đám con trai con gái họ lại càng lộn xộn hơn, những quy củ này cũng không ai nhắc tới nữa.

    Ông tôi vốn không biết chữ, khi quân giải phóng mở bao nhiêu lớp xóa mù chữ, ông vẫn chỉ biết đào cát, học một từ còn khiến ông vật lộn muốn chết. Cũng may ông có chút văn hóa, có thể viết lại một phần những chuyện mình từng trải qua. Thằng Ba ở đỉnh Phiêu Tử Lĩnh Trường Sa năm ấy, chính là ông nội tôi. Những chuyện này đều do ông ghi lại từng chữ từng chữ trên quyển bút ký cũ kĩ của mình. Bà nội tôi là người làm công tác văn hóa, vốn là một tiểu thư khuê các, nhưng lại bị những chuyện này của ông hấp dẫn. Cuối cùng, ông tôi tới Hàng Châu ở rể, an gia tại đây.

    Quyển bút ký đó trở thành bảo bối gia truyền của nhà tôi. Mũi của ông sau chuyện đó đã không còn tinh nhạy nữa, về sau ông huấn luyện một con chó chuyên ngửi đất, nên được người ta đặt hiệu “Cẩu vương”. Đây là chuyện có thật, giờ những người trước đây từng làm thổ phu tử ở Trường Sa đều biết đến cái tên này.

    Về phần ông tôi sau đó làm sao sống được, ông bác, cụ và cụ kị của tôi cuối cùng thế nào, ông mãi vẫn không chịu nói ra. Trong kí ức thời thơ ấu, tôi chưa từng gặp một ông bác chỉ có một mắt, còn cụt một tay, không chừng thật sự là lành ít dữ nhiều. Nhắc tới chuyện này, ông chỉ thở dài, nói: ”Đó không phải là chuyện con nít nên nghe.” Bất luận chúng tôi có hỏi thế nào, làm nũng thế nào, ông chũng không chịu tiết lộ nửa chữ. Cuối cùng khi chúng tôi dần dần lớn lên, cũng từ từ mất đi lòng hiếu kì thời thơ ấu.

    ==============

    Lúc chạng vạng đóng cửa hàng hôm đó, tôi nhận được một tin nhắn, mở ra xem, là tin chú Ba gửi.

    Chú Ba tôi là người duy nhất trong nhà đến đời này còn làm việc trộm mộ. Nghe nói trước kia chú từng hoàn lương một thời gian, sau đó tính cách lại không hợp với lãnh đạo, liền tự mình mở tiệm buôn bán đồ cổ. Bình thường chú Ba hay khoác lác chú xuất đạo sớm hơn bất cứ ai, mới sáu tuổi đã tự làm một mình, mười tuổi đã nổi danh khắp tám phái, quả thực có thể gọi là trời sinh đạo mộ tặc.

    Có điều tên đạo mộ tặc này hiện giờ đã cải tà quy chính mặc kệ sự đời rồi. Theo mấy tên thủ hạ của chú nói, mấy năm trước chú thỉnh thoảng còn tự mình xuống mộ chọn đồ linh tinh, nhưng vài năm gần đây nhàn hạ đâm ra quyết tâm đổi nghề, xem ra tuổi tác lớn rồi, không chịu cũng không được.

    Tôi mở tin nhắn của chú Ba ra, cứ nghĩ chú muốn gọi tôi đi ăn, không ngờ chỉ có độc một câu: “9 giờ kê nhãn hoàng sa.”

    Đây là tiếng lóng trên đường dây của chúng tôi, ý là có hàng mới tới, gọi qua xem. Quan hệ của chú Ba ở Mang Sơn rất tốt, có không ít đồ đệ, có thể là một trong số đó lại vừa đào được ngôi mộ nào đó, đưa đồ đến Hàng Châu rồi. Tôi đang suy nghĩ xem có nên đi không, lại nhận được thêm tin khác: “Có Long Tích Bối, đến mau.”

    Gần đây tình hình kinh tế eo hẹp, thấy thứ tốt mà không mua được, chẳng thà đừng xem. Nhưng chú vừa nói có Long Tích Bối, mắt tôi lại sáng lên. Long Tích Bối này vốn ám chỉ bảo bối. Tiêu chuẩn của chú Ba vô cùng cao, nếu ngay cả chú cũng nghĩ là đồ tốt, e rằng thực sự là tuyệt thế kỳ trân, cơ hội tốt thế này mà bỏ lỡ thì sẽ không có lần hai.

    Tôi lập tức hạ quyết tâm, đóng xong cửa hàng, lái xe tải nhỏ đến thẳng chỗ chú Ba. Chỗ chú có hàng mới là thể nào cũng đã đông như trảy hội, nếu đến muộn một chút, không chừng chẳng còn thứ gì. Trong lúc sốt ruột, bất giác lại ấn ga nhiều hơn vài cái, kết quả bị một tên cảnh sát giao thông ở ngã tư cản lại, lằng nhằng nửa ngày, một tiếng sau xe mới đến được nhà chú. Tôi vừa xuống xe, đã nghe chú gọi từ trên lầu xuống:“Thằng nhóc thối tha kia, bảo mày nhanh lên, con mẹ nó mày còn dây dưa tận nửa ngày, giờ mới tới để làm cái rắm gì!”

    Trong lòng tôi vốn đã chán nản, vừa nghe chú nói, liền biết đồ chắc chắn đã được bán rồi, đáp lại một tiếng:“Không phải chứ chú Ba, đồ tốt cũng phải dành cháu với chứ, chú bán cũng nhanh quá đấy.”

    “Con mẹ nó mày còn biết là đồ tốt, đã thế còn không nhanh chân lên, người đầu tiên ông báo tin cho là mày đó!”

    Tôi ai một tiếng, cũng không buồn giải thích nữa. Lúc này một thanh niên còn khá trẻ bước ra từ cửa chính nhà chú, trên lưng đeo một cái hộp gỗ thật dài, bên ngoài dùng vải cuốn kín mít, chỉ lộ ra một cái đỉnh. Tôi biết đó là hộp kiếm, dùng để đặt bảo đao bảo kiếm gì đó. Chỉ riêng cái hộp này cũng đáng giá rồi, nếu bên trọng còn có kiếm, nhất định là giá trên trời.

    Tôi đoán đó chính là Long Tích Bối, đưa tay chỉ chỉ món đồ trên lưng thanh niên kia. Chú Ba gật gật đầu, có vẻ bất đắc dĩ.

    Tôi mất hứng, tính đường quay về thì chú Ba lại bảo tôi chờ một chút, nói trên lầu còn có nhiều người đang xem đồ trong bảo khố của chú, muốn tôi giúp đếm tiền. Tôi nghĩ tối nay mình cũng không có việc gì, liền theo lên góp vui.

    Làm xong mọi chuyện, lại uống thêm nửa chén rượu ngũ lương, vừa cùng chú uống, vừa kể lại chuyện gã răng vàng tới chỗ tôi dò hỏi hôm nay. Tôi chỉ định kể cho vui, không ngờ chú vừa nghe, liền hừ một tiếng:“Răng vàng tới từ Bắc Kinh, hừ hừ, đây thực sự là nhảy cầu tự sát mà không phải chết vì sông — là đụng vào cầu mà chết a.”

    Tôi nghe thế, đoán chừng chú Ba cũng biết họ, liền hỏi là chuyện gì. Chú Ba đáp dạo này chú nghe nói mới xuất hiện một đám trộm rất hung hăng ngạo mạn, có một tên Bắc Kinh răng vàng chuyên phụ trách thủ tiêu hàng cho bọn chúng. Gần đây hình như chúng đào được một bảo huyệt ở Sơn Tây, xem ra cũng vớ được không ít bảo bối.

    Tôi thoáng nghĩ quyển sách lụa đó có thể trộm được từ ngôi mộ ở Sơn Tây, mới lôi máy ảnh kĩ thuật số có cái dấu kia ra cho chú xem. Mặt chú Ba vốn đỏ bừng, có lẽ đã gần say, nhưng vừa nhìn quyển sách kia, sắc mặt đột nhiên biến đổi.

    “Sao thế?” Tôi hỏi, “Thứ này có gì kì quặc sao?”

    Chú nhíu mày, nói. “Bảo thằng nhóc mi bình thường theo ta học hỏi nhiều vào, mi không thèm nghe. Thứ này người sáng suốt vừa nhìn đã nhận ra, nó là một bản đồ.”

    —————————————————-

    (1) Bản dập: Đại loại nó là bản sao bằng giấy của những văn tự, họa tiết trên chất liệu cứng như đá, kim loại, chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu (không phải bản khắc gỗ để in lên giấy đâu)

    (2) Tầm long điểm huyệt: một thuật ngữ trong phong thủy. Tầm long = xem địa thế núi, điểm huyệt = chọn vị trí mộ.

    (3) Đổ đấu: tiếng lóng chỉ việc trộm mộ của Bắc phái. Thuật ngữ này xuất phát từ tiểu thuyết “Ma thổi đèn”.

     
  4. b1209049

    b1209049 Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    7/12/14
    Bài viết:
    4,806
    Được thích:
    20,915
    ĐẠO MỘ BÚT KÝ
    Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
    === oOo ===
    Q.1 - Chương 3: Miếu Hạt Dưa

    Nguồn: thuynguyetvien.wordpress.com


    Tôi nhìn bản sao cuốn sách lụa đầy chữ, lại nhìn sang chú Ba, không hiểu chú đang nói gì. Lẽ nào chú đã siêu phàm đến mức có thể nhìn “chữ” thành “tranh” rồi sao? Thường ngày chỉ thấy chú là một tay bợm nhậu khoái cờ bạc rượu chè ăn chơi trác táng, người như thế thì lấy đâu ra tiên căn chứ.

    Chú Ba vừa mắng tôi, vừa lấy kính lão ra xem, nói cái này là Bát trận thư đồ (tranh chữ, còn gọi là Tàng họa văn), chính là cách dùng ngữ pháp đặc biệt kể lại vị trí địa lý mà viết, nhìn thoáng qua thì tưởng nó chỉ là một đống chữ vô nghĩa, thực ra tin tức bên trong vô cùng phong phú, là một loại mật mã dùng cho việc hành binh tác chiến thời cổ đại. Tôi nói chú chẳng biết nhiều chữ, làm sao có bản lĩnh hiểu được mấy thứ này. Chú lại nói đây không phải kiến thức, mà là kinh nghiệm.

    Tôi nghe xong liền bật cười, cái tính bừa bãi vô lối của chú Ba giống với ông nội tôi nhất. Khả năng ba hoa cũng thế, không chừng cái Bát trận thư đồ gì đó chú chỉ nghe mấy ông bạn nói qua, còn chú hiểu được bao nhiêu thì vẫn chỉ là nghi vấn.

    Chú Ba nhìn chằm chằm nó một hồi, lẩm bẩm: “Mấy tên giữa chừng đổi nghề xem ra vận khí rất tốt, mấy món đồ kiểu này trước đây chú mày chưa từng gặp, lần này lại để mày chiếm lợi.”

    Tôi hỏi chú, bản đồ này vẽ nơi nào vậy? Chú Ba cau mày nhìn nó hồi lâu, mới nói ra mấy từ khiến tôi chấn động: “Hình như… Con mẹ nó là một ngôi mộ!”

    Sách lụa Chiến quốc cũng không phải là tác phẩm chuyên ngành, mà giống nhật kí hay cảm tưởng được ghi lại bằng bút kí. Năm đó tôi từng đọc qua vài đoạn, nội dung rất lộn xộn, tuy có giá trị cao trong việc khảo chứng cuộc sống sinh hoạt của con người thời đó, có điều tôi không làm nghề khảo cổ nên cũng không hứng thú gì với chúng. Nhưng bây giờ thì khác, tôi vội vã hỏi lại xem chú có nhận ra là mộ của ai không?

    Chú Ba lắc đầu, nói. “Hiện giờ chú không thể hiểu hết hoàn toàn, nhưng đây chắc chắn là mộ của một quý tộc nước Lỗ thời Chiến quốc. Xem này, nó được người ta dùng tranh chữ ghi lại trên sách lụa, chứng tỏ địa vị của tay này cũng khá cao; hơn nữa ngôi mộ này còn chứa đựng nhiều bí ẩn, kể cũng khá thú vị, đáng cho chúng ta đi một chuyến.”

    Tôi vừa nghe đến mộ lớn thời Chiến quốc, tim cũng bất giác đập mạnh. Đường Tống Nguyên Minh Thanh, mộ thời nào cũng có bảo bối, nhưng những thứ bảo bối ấy cùng lắm chỉ có thể nói là khéo léo tinh tế. Nhưng cổ mộ Hoàng tộc thời Chiến quốc niên đại lại vô cùng lớn, anh vĩnh viễn cũng không đoán ra nổi trong đó có gì, không chừng còn có thể tìm được vài món bảo bối thời thượng cổ. Loại cám dỗ này không phải có tiền là dễ dàng gạt bỏ được, với kẻ trộm mộ lại càng hấp dẫn hơn.

    Nhưng tôi lại nghĩ, dù sao cũng không có cơ hội đi, phấn khích cũng vô dụng. Nhà tôi gia giáo rất nghiêm, ba muốn thế hệ chúng tôi có thể hoàn toàn thoát khỏi nghiệp này, vì thế tôi và hai thằng em họ không hề biết đến nghề đào đất, ngay cả xẻng Lạc Dương cũng là hàng cấm. Hồi bé có lần tôi chỉ cầm cán xẻng xiên cá trong sông, thế mà suýt bị cha đánh chết.

    Chú Ba là người duy nhất trong nhà không kết hôn không sinh con, tính cách lại phóng khoáng. Chú trước giờ vẫn không hài lòng với cách làm của cha tôi, giờ lại thấy bộ dáng này của tôi, liền lắc đầu. “Chú bảo này, mày cũng thật thà quá. Ba không cho mày đi thì mày không dám đi luôn à? Đã hơn hai mươi tuổi rồi, còn sợ cái gì, sợ ảnh đánh mày sao? Đánh thì đánh đi, cũng chẳng dám lấy mạng mày. Lúc chú bằng tuổi mày, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, ông nội mày chẳng quản nổi.”

    Tất nhiên rồi, chú là ai chứ, ba dặm quanh Hàng Châu ai chẳng biết Ngô tam gia chú phóng rắm cũng thơm.

    Chú Ba lườm tôi một cái, đốt một điếu thuốc, rồi nói có cơ hội sẽ đưa tôi đi mở mang kiến thức một chút, len lén đi không cho ông già tôi biết. Nhà họ Ngô mấy trăm năm đều kiếm ăn dưới lòng đất, mối duyên nợ này làm sao có thể nói bỏ là bỏ.

    Tôi không biết lời chú nói là thật hay giả, cũng không quá để tâm. Hai chú cháu nói chuyện đến nửa đêm, tôi cũng bất tri bất giác uống hơn nửa cân rượu đế, cảm thấy nếu uống tiếp thì sẽ không về được, liền đứng dậy cáo từ, xe cũng bỏ lại, gọi luôn một chiếc taxi đưa về nhà.

    Lúc tôi trở lại căn phòng trọ nhỏ đầu cầu đá, trời đã nhá nhem sáng. Tôi gửi tin nhắn cho Vương Minh, bảo cậu ta tự đi mở cửa hàng, tiếp đó bò lên giường nằm, lát sau đã ngủ say như chết.

    Ngủ một giấc đến tận chiều, cũng không ngon lắm, đầu óc hiện ra rất nhiều hình ảnh như mộng như thực kì dị cổ quái, cái gì mà cổ mộ, cương thi, còn xen thêm mấy cái bóng hồng hồng, thực sự là một đám tạp pí lù.

    Lúc tỉnh lại, trong lòng bỗng cảm thấy buồn bực, cũng không hiểu vì sao. Tôi bèn đứng dậy đánh răng rửa mặt định lên mạng kiếm trò vui gì đó giải sầu, lại phát hiện ra mạng đã đứt, đành đốt một điếu thuốc chạy lên sân thượng hút, nhìn mấy bà chủ thuê nhà chơi mạt chược dưới sân.

    Đờ ra suy nghĩ nửa ngày mới chợt nhớ đến tòa cổ mộ chú Ba nói, liền gọi cho chú, hỏi chú chuẩn bị thế nào rồi, phái thủ hạ đi hay tự mình đi, có chuyện gì tôi giúp được không. Chú Ba nói chú đang sắp xếp, đợi lát nữa nói sau, thế rồi cúp điện thoại.

    Lại qua vài ngày nữa, cũng không hiểu tại sao tôi cứ như mất hồn mất vía, trong lòng buồn bực khôn nguôi, nửa ngày lại gọi cho chú Ba một cú điện thoại, nói đông nói tây, tìm mọi cách thăm dò tình hình cổ mộ đó.

    Chú Ba nhanh chóng đoán ra mục đích thật của tôi, cười ngặt nghẽo: “Mẹ nó đừng nói linh ta linh tinh nữa, ta biết nhóc con mi nghĩ cái gì rồi, nói thật đi, có phải ngứa ngáy tay chân, muốn xuống đất mở mang kiến thức rồi không? Cái này thì có gì mà không nói ra được, mẹ nó, còn ở đó dài dòng nửa ngày như một mụ đàn bà.”

    Tôi nghe vậy thì mơ hồ cảm thấy mình vốn có ý này nhưng bản thân lại không hề phát hiện ra, có chút ngượng ngùng, liền đáp quỷ mới biết chuyện chú nói hôm qua có tính không, uống nhiều như vậy, không chừng đã quên mất rồi. Chú Ba cười cười trên điện thoại nửa ngày mới nói nếu mày muốn đi thì qua đây ngay, việc phải chuẩn bị còn nhiều lắm. Tôi nghe chú nói thế thì sướng như điên, kêu to một tiếng, cho cháu đi theo kéo xe bò cũng được.

    Lúc tôi đến chỗ chú Ba, chú đang bận gọi tới Mang Sơn, nói muốn điều mấy người có kinh nghiệm từ bên đó qua. Chú vừa nói vừa liệt kê danh sách cho tôi, bảo tôi giúp chú chuẩn bị vài thứ, còn dặn thêm: “Tuyệt đối không mua hàng giả, còn nữa, chuẩn bị vài bộ quần áo du lịch đi, nếu không còn chưa đến nơi chúng ta đã bị bắt sạch rồi.” Tôi cuống quýt gật đầu đáp ứng, rồi vội vã đi làm việc được giao.

    Những món chú Ba muốn đều khá hiếm, chỉ sợ là hơi khó tìm. Trong danh sách này có mấy thứ trong tiệm tuyệt đối không có, ví như đèn mỏ không thấm nước, ống thép có rãnh xoáy, lưỡi xẻng khảo cổ, mã tấu đa dụng, xẻng gấp, búa cán ngắn, băng vải, dây ni lông vân vân. Mới mua được phân nửa đã tốn gần một vạn, có thứ còn phải đặt hàng trước.

    Nhưng những thứ này vẫn còn dễ kiếm, phiền toái nhất là phải mua súng. Hình như lần này chú Ba định vào rừng sâu, không có súng không xong; chưa nói đến yêu ma quỷ quái, một con lợn rừng cũng đủ chết rồi. Súng nhất định phải mua, nhưng không thể mua súng hơi. Trong tay tôi lại không có đường dây, đành phải chạy ra chợ đồ cũ, hỏi thăm khắp hai phái hắc bạch, cuối cùng cũng mua được vài cây súng săn hai nòng.

    ****************************

    Ba ngày sau, nhóm năm người chúng tôi đón chuyến xe khách đến Lâm Nghi vùng Sơn Đông.

    Lần này chú Ba dẫn theo tổng cộng ba người, trong đó có hai người tôi đã từng gặp trước đây. Họ đều là người trò chuyện cởi mở, tính tình phóng khoáng, người thứ ba chính là tên đeo kiếm sau lưng tôi gặp dưới nhà chú Ba, không biết có quan hệ gì với chú, cũng đi cùng luôn. Có điều tên nhóc này vô cùng đáng ghét, bộ dáng hệt như thằng con ghẻ (*), cả quãng đường dài chẳng buồn mở miệng lấy một lần, chỉ ngẩng đầu nhìn trời đăm đăm, cứ như lo trời sắp sập xuống không bằng! Ban đầu tôi còn thử trò chuyện với hắn mấy câu, sau cũng lười để ý đến hắn, cuối cùng ngay cả tên cũng không biết.

    (*) Thằng con ghẻ: Nguyên văn (tha du bình) Muộn Du Bình = gọi tắt của nhất thanh bất muộn tha du bình = thằng con ghẻ một tiếng cũng không nói, nhưng thường được fangờ thân mật gọi là bình dầu ôi :”>

    Ô tô chạy như bay trên đường cao tốc, cả quãng đường dài dằng dặc chúng tôi đều giết thời gian bằng cách ngủ say sưa, mơ mơ màng màng. Sau mười hai tiếng xóc nảy trên xe, chúng tôi cũng đến được Lâm Nghi.

    Thời cổ đại, Lâm Nghi thuộc địa phận của nước Lỗ, nơi này là miền đồi núi, nằm ở sườn nam núi Thái Sơn. Theo so sánh của chú Ba về phạm vi địa hình của nước Tề và nước Lỗ cổ, mục tiêu chủ yếu xác định trong hai tòa núi Mông Sơn thuộc vùng Nghi Mông, Lâm Nghi. Vì thiếu tư liệu, chúng tôi cũng không biết nơi đó vốn thuộc nước Lỗ hay nước Tề, đành đi tới đâu biết tới đó.

    Núi Mông Sơn ngày trước gọi là Đông Mông, Đông Sơn, đứng sừng sững ở huyện Bình Ấp tỉnh Sơn Đông, nằm về phía tây bắc của Lâm Nghi, Sơn Đông. Là một nhánh của dãy núi Thái Nghi, vượt qua thành phố Lâm Nghi trải dài tới bốn huyện Bình Ấp, Mông Âm, Phí và Nghi Nam, chạy dọc theo hướng tây bắc – đông nam, dài hơn bảy mươi km, có mấy nơi đã phát triển du lịch khá hoàn thiện. Chúng tôi mua một ít bản đồ du lịch, đối chiếu với bản đồ trong tay thì không khớp, nơi chúng tôi muốn tới e rằng phải ẩn sâu dưới ngọn núi lớn.

    Tôi tìm mấy hướng dẫn viên người địa phương, hỏi họ mấy địa danh cổ trên bản đồ nhưng cũng không thu được kết quả gì. Vùng này đã trải qua biết bao trận chiến, có rất nhiều làng bị thiêu hủy sạch thời kháng Nhật, muốn tìm kiếm nghiên cứu lại phải nói vô cùng khó khăn. Năm người chúng tôi không còn cách nào khác, đành đi lòng vòng một hồi rồi quyết định tiến vào trong núi đã. Chúng tôi đón chuyến xe bus cà tàng của địa phương, tới một chỗ cách Miếu Hạt Dưa hơn bốn mươi km về phía tây, sau đó đổi xe công nông đi vào đường nhỏ, cuối cùng ngồi xe bò vòng lên đường mòn trên Bàn Sơn. Lúc xuống xe chúng tôi mới phát hiện ra bốn phía xung quanh ngoại trừ đồi núi trải dài ngút tầm mắt thì không còn tìm thấy bất cứ thứ gì hiện đại nữa.

    Cho rằng đã tới nơi, chúng tôi liền nhảy xuống khỏi xe. Lúc này phía trước bỗng có một con chó chạy tới, chú Ba tôi vừa nhìn thấy lập tức phá ra cười, vỗ vỗ vai ông lão đánh xe nói đùa. “Ông bác à, hành trình tiếp theo là cưỡi con chó này sao, sợ nó không cõng nổi chúng tôi đâu!”

    “Làm sao mà cưỡi chó được?” Ông lão cười to. “Con chó này chỉ tới báo tin thôi. Đoạn đường cuối cùng xe nào cũng không đi được, phải lên thuyền hết. Con chó này tôi phái đi để gọi thuyền qua đây đó.”

    Nói rồi, lão đánh xe bò xuống sườn dốc bên cạnh, chúng tôi cũng vội vội vàng vàng đi theo. Đồi núi ở đây cao hơn ở phương nam nhiều, hơn nữa quanh năm không có ai ra vào cho nên rừng cây vô cùng rậm rạp. Dưới đất còn phủ một tầng lá mục rất dày, bùn cũng đen xì, đạp một bước xuống không chừng còn ngập tới đầu gối. Chúng tôi chặt vài cành cây làm gậy chống, vừa đi vừa dò đường, vô cùng cẩn thận.

    Lúc vào đến sơn cốc, trước mặt hiện ra một dòng suối trong xanh, rộng khoảng năm sáu thân thuyền, nhìn xuống không nhận ra được đáy nông hay sâu. Hai bên bờ suối trừ chỗ chúng tôi đang đứng có một khối đá bằng phẳng, còn những nơi khác đều là vách đá cao chót vót. Phía trên có tán cây dày đặc, che khuất cả mặt trời và phần lớn tia sáng, khiến không khí xung quanh giảm xuống vài độ.

    Chú Ba dựa vào xe bò, hỏi ông lão kia. “Con chó này còn biết bơi?”

    “Bơi khỏe lắm, bơi khỏe lắm.” Ông lão ngồi trên xe, dùng ống tẩu gõ gõ lên đầu con chó. “Lư Đản Đản, bơi thử cho họ xem.”

    Con chó này hình như hiểu được tiếng người, “Ẳng” một tiếng nhảy xuống sông, phành phạch bơi một vòng rồi bò lên bờ lắc lắc người, nằm sấp trên mặt đất lè lưỡi thở.

    Chúng tôi thấy vậy đều phá ra cười. Ông lão kia nhìn nhìn trời một chút, rồi nói với chúng tôi: “Bây giờ còn sớm quá, tên chèo thuyền kia chắc chắn còn chưa làm việc, chúng ta cứ nghỉ một chút, hút điếu thuốc đã.”

    Tôi nhìn đồng hồ: “Hai giờ chiều còn chưa làm việc, tên chèo thuyền kia của ông rốt cuộc làm khi nào nghỉ khi nào vậy?”

    “Ở đây bọn tôi chỉ có một mình hắn chèo thuyền, hắn lợi hại lắm đấy, dậy lúc nào thì làm việc lúc đó, đôi khi cả ngày không làm, khiến người ta tức chết luôn.” Ông lão cười cười. “Biết làm sao được, tám thôn mười dặm quanh đây chỉ có mình hắn lái thuyền, hắn muốn làm gì tùy ý, thôn trưởng cũng chẳng quản được hắn.”

    “Vậy sao các ông còn không mở họp đại biểu nhân dân, bắt hắn nghỉ việc, đổi người khác chăm chỉ hơn?” Chú Ba hỏi lão.

    “Bọn tôi cũng muốn, nhưng các cậu đều là người từ ngoài tới, có chuyện này không biết. Sơn thần ở đây chỉ nể mặt mình hắn, người khác chỉ cần đi vào sơn động một đoạn là chắc chắn không ra được, cho nên chỉ có thể đi cùng hắn, cũng không biết tại sao nữa.”

    “A, phía trước còn phải qua một sơn động?” Chú Ba kinh ngạc, lập tức giở bản đồ ra, nhìn qua một lượt, chợt bừng tỉnh: “Không, phải nói là hà động mới đúng. Ông vừa nói gì nhỉ, cái động trong núi này có thể ăn thịt người sao?”

    Ông lão cười ha hả: “Đó là chuyện vài đời trước truyền lại, tôi chẳng còn nhớ rõ nữa, mà cũng không biết có thật hay không.”

    Chúng tôi nghe thế, lập tức liên tưởng tới cổ mộ kia, liền bảo ông ta kể rõ ra. Ông lão thấy chúng tôi thích nghe, cũng can đảm hơn một chút, rút một điếu thuốc rồi bắt đầu câu chuyện.

    Thì ra từ khi thôn này còn chưa xuất hiện, sơn động đã có rồi. Đáng tiếc không ai biết động này hai đầu thông nhau, mà bên trong còn lắm chuyện kì quái, người ta đi vào chẳng bao giờ thấy ra. Cứ thế lâu dần, người trong thôn đều nói động này có xà tinh cắm một cái cọc ngầm dưới nước, không cho thuyền đi vào.

    Cho đến một ngày, bỗng có người chèo một chiếc thuyền nhỏ từ trong động ra xuất hiện ở gần thôn, nói là người bán hàng rong từ bên ngoài tới. Trưởng thôn không tin, nói hắn là xà tinh biến thành, định đánh chết hắn. May mà khi đó có mấy nàng dâu vốn là người thôn bên, nghe giọng nói đậm chất Tương Tây của kẻ này thì nhận ngay ra hắn, nói hắn thực sự là người bán hàng rong, hàng năm đều qua thôn bên cạnh, chỗ son phấn này đều do hắn buôn từ bên ngoài vào.

    Mấy ông trưởng họ liền sai vài người nhanh nhẹn chạy qua thôn bên hỏi, quả nhiên như thế, mới thả hắn ra. Từ đó trở đi cái động này hình như đã nhận hắn, chỉ có người nhà của tên lái thuyền đó mới ra vào được, mấy trăm năm nay chưa từng có ngoại lệ.

    “Nhưng con chó đó có sao đâu?” Tôi thắc mắc. “Không phải ông dùng nó để báo tin à?”

    “Cái đó thì lão chịu, chuyện đã truyền qua mấy đời rồi, ai mà biết có thật không.” Ông lão gõ gõ tẩu thuốc lên mặt đất. “Bọn tôi rất ít khi đi đường sông, mà thường lần theo con đường mòn trên đỉnh núi hơn. Có điều đồ đạc của các cậu quá nhiều, leo núi không tiện; vả lại mấy năm nay ngọn núi này cũng không mấy khi yên ổn, thỉnh thoảng lại có vài tảng đá sụp xuống, lỡ rớt trúng đầu là chết chắc. Chúng ta không cần mạo hiểm, chỉ chờ thêm một chút thôi mà.”

    Tôi nhìn lên, phát hiện ra thế núi ở đây cao chót vót, trùng trùng điệp điệp, ngoài chúng tôi ra không thấy một ai, cũng chẳng biết lời lão nói là thật hay giả. Chú Ba nghe ông lão kia nói đến nhập thần, bèn suy nghĩ một chút, rồi vỗ vỗ tay: “Lư Đản Đản, qua đây.”

    Con chó này đúng là rất biết nghe lời, vọi vàng chạy qua. Chú Ba vừa ôm lấy nó ngửi, mặt liền đổi sắc. “Con bà nó, cái mùi này…”

    Tôi cũng ôm lấy ngửi thử, cái mùi xộc lên khiến tôi ho khan một trận. Chủ con chó này cũng lười quá thể, không biết đã bao lâu chưa tắm cho nó.

    Một trợ thủ của chú tên Phan Tử cười ha ha. “Cậu phải học hỏi chú Ba cậu nhiều, vẫn còn non lắm.”

    “Con chó chết tiệt, sao thối vậy!” Tôi bực tức mắng.

    “Phan Tử, chú cũng qua đây ngửi thử xem!” Chú Ba vẫy vẫy tay.

    “Tôi… Thôi đi.” Phan Tử nói: “Tôi ghét nhất mùi thối của chó, ngửi một tí lỡ nôn ọe thì mất mặt lắm.”

    “Đừng dài dòng nữa, mau qua đây. Mùi trên người con chó này lạ lắm.”

    Phan Tử hết cách, đành phải bước qua, túm lấy con chó đưa lên mũi ngửi ngửi một chút, mặt cũng đổi sắc: “Đây là mùi thi thể thối mà…”

    “Không thể nào.” Tôi sợ đến mức lông tơ đều dựng ngược lên, ngay cả thằng nhóc vẫn im lặng nãy giờ cũng biến sắc.

    Chú Ba đốt một điếu thuốc, cau mày nhìn con chó kia, nói với chúng tôi. “Mang cả nó theo đi, chỉ e sơn động phía trước là một động xác, mọi người cứ chuẩn bị tinh thần.”

    Một trợ thủ khác của chú Ba dáng vẻ cao to, bọn tôi gọi hắn là A Khuê, khổ người hắn trông cũng gần bằng con bò kéo xe kia, lá gan lại bé xíu, hỏi khẽ: “Động xác rốt cuộc là cái gì vậy?”

    “Không biết, mấy năm trước tôi cũng tìm được một động như thế ở Sơn Tây Thái Nguyên, nơi đó là chỗ vứt xác sau những đợt tàn sát của người Nhật. Thường thì chỗ nào có động xác nhất định phải có tàn sát, cái này là chắc chắn rồi. Lúc đó thấy vui vui mới thí nghiệm thử, mang chó, vịt đặt lên một cái bè trúc, treo lên đó một máy quay rồi cho trôi xuôi theo dòng. Cái động đó tối đa chỉ dài 1 km, tôi cũng chuẩn bị đủ dây điện, nhưng dây điện đã kéo hết rồi mà vẫn chưa ra khỏi đó được. Bên trong tối đen, không biết là đi tới tận đâu rồi, tôi định lôi nó ra, nào ngờ mới giật vài cái bè trúc đã lộn nhào, sau đó…” Chú Ba xòe tay. “Cuối cùng chỉ nhìn thấy nửa khuôn mặt, dí sát màn hình quá nên cũng không rõ là là động vật hay là gì. Muốn qua động này, thời cổ đều phải người sống kèm theo người chết mới qua được, nếu vật sống đi vào một mình thì chỉ có vào mà không có ra! Nghe nói ở Tương Tây có một nơi lưu truyền phong tục cho trẻ con ăn thịt người chết từ nhỏ, tích thi khí trong thân thể, đến khi trưởng thành cũng chẳng khác gì người chết, cho nên ma quỷ cũng không thèm để ý. Ông già, tổ tiên tên này chắc là từ Tương Tây tới đúng không?”

    Sắc mặt ông lão chợt biến đổi, lắc đầu. “Cũng không biết được, đó là chuyện của cụ kị hắn rồi, cũng đã qua mấy đời.” Nói rồi thoáng nhìn trời, gọi con chó kia một tiếng: “Lư Đản Đản, đi gọi lái thuyền qua đây!” Con chó kia gâu một tiếng rồi nhảy xuống nước bơi về phía sau núi.

    Lúc này, tôi bỗng thấy chú Ba nháy mắt với Phan Tử một cái. Phan Tử len lén lấy một cái ba lô ra từ đống hành lý, đeo lên lưng. Cậu thanh niên ngồi một bên từ nãy giờ kia cũng đứng dậy, cầm theo cái gói của mình. Sau đó Phan Tử vòng qua phía sau tôi, thì thào bằng tiếng Hàng Châu: “Ông già này có vấn đề, cẩn thận.”

     
  5. b1209049

    b1209049 Thành viên kích hoạt

    Tham gia ngày:
    7/12/14
    Bài viết:
    4,806
    Được thích:
    20,915
    ĐẠO MỘ BÚT KÝ
    Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
    === oOo ===
    Q.1 - Chương 4: Động Xác

    Nguồn: thuynguyetvien.wordpress.com


    Mấy người đồng hành của chú Ba đều là dạng thông thạo chuyện giang hồ nên tôi cực kì tin tưởng họ. Phan Tử vừa dứt lời, tôi lập tức hiểu ý, cũng lấy hành lý cá nhân rồi đeo lên lưng, tránh cho đồ đạc để trên xe bò bị người ta cuỗm mất. Trên đường đi tới đây tôi đã gặp không ít chuyện lừa đảo, coi như học hỏi thêm chút kiến thức và vài biện pháp đề phòng cơ bản.

    A Khuê cũng để mắt đến tôi, bảo tôi chú ý bám theo, cẩn thận kẻo bị lạc. Tôi thấy sắc mặt hai người kia đều có vẻ khó coi, cũng không rõ ông lão này có gì bất thường, bỗng dưng cảm thấy hồi hộp. Đúng lúc này, Lư Đản Đản bì bõm bơi trở về, ông lão liền rút tẩu thuốc, đập đập lên ống quần: “Đi thôi! Thuyền tới rồi.”

    Tôi nhìn qua, quả nhiên có một con thuyền đáy bằng bơi ra từ phía sau núi. Thuyền bằng xi măng, phía sau còn buộc thêm một cái bè, đầu thuyền có một gã trung niên trông giống người dân tộc đang đứng. Tôi nhìn qua một lượt, chỉ thấy kẻ này trông rất bình thường, giá có lẫn trong đám đông thì cũng không nhận ra nổi. Nhưng có lẽ là do tác động tâm lý nên vừa nghĩ tới câu chuyện ăn thịt người chết mà chú Ba nói, tôi bỗng cảm thấy người này trông khá kì quái, có nét gì đó xảo trá.

    Người đó quay về phía chúng tôi hô to một tiếng, cập thuyền sát vào vách núi gần đó. Ông lão vỗ vỗ cổ con bò rồi bảo chúng tôi lên thuyền.

    Đống hành lý của chúng tôi đều chất hết lên thuyền, còn con bò cùng với cỗ xe thì cho lên cái bè kéo đằng sau. Chúng tôi mang rất nhiều đồ nên lúc này không có chỗ mà ngồi, đành ngồi ghé vào mép thuyền.

    Chú Ba ngã giá xong, liền kêu người kia lái thuyền. Người trung niên đó chèo thuyền cũng thật nhanh, trong chốc lát thuyền đã bơi ra giữa dòng. Chúng tôi xuôi theo lạch nước, đi vòng qua một ngọn núi, bỗng có một luồng gió lạnh thổi tới, phía trước mặt đột nhiên hiện ra một khoảng không thoáng đãng.

    Từ đây đến sơn động kia còn một đoạn nữa, quãng đường này phong cảnh như tranh, hai bên là vách đá dựng đứng, núi non trùng điệp, quả là đẹp không sao tả xiết. Tôi xuýt xoa tán thưởng, không quên lấy máy ảnh kĩ thuật số, tách tách tách liên hồi, chụp được rất nhiều ảnh.

    Theo từng nhịp chèo của người lái thuyền, chúng tôi cứ chầm chậm trôi xuôi theo dòng nước. Lạch nước chảy dưới đáy hang cũng thuận theo mạch núi, quanh co khúc khuỷu. Mỗi khi chúng tôi nghĩ đã tới điểm tận cùng của con lạch thì người kia lại quay đầu thuyền, trước mắt lập tức hiện ra một phong cảnh mới. Chúng tôi đi rất lâu trong mạch sông ngoằn ngoèo này, đến khi tôi rút ra điếu thuốc “Bát Hỉ” thứ ba thì gã mới chống sào cho thuyền dừng lại, nói với chúng tôi: “Chờ một chút, lát nữa chúng ta phải qua một thủy động. Khi vào trong động, các vị nhất định phải hạ giọng xuống, không được nhìn vào trong nước, đặc biệt không được nói xấu sơn thần.”

    Chúng tôi nhìn nhau, không biết phải làm gì. Phan Tử dùng giọng Hàng Châu hỏi chú Ba: “Làm sao đây, chúng ta có nên nghe lời gã không?”

    Chú Ba nghĩ ngợi một chút, rồi cũng dùng giọng Hàng Châu mà trả lời: “Giờ cũng không rõ hai người này có vấn đề gì không, nơi đây quanh co khúc khuỷu, còn hiểm ác hơn dự liệu của ta gấp bội. Chúng ta hãy tạm nghe lời gã, chuyện tới đâu tính tới đó, trước hết cứ để gã dẫn đường.”

    Chúng tôi nghe vậy đều khẽ gật đầu. Trên đường tới đây tôi đã nghe dân bản địa nói nhiều về chuyện giết người cướp của xảy ra trong vùng núi này. Họ kể người bên ngoài bị lừa vào những nơi kín đáo cướp đoạt tiền của, sau đấy giết sạch không để ai sống sót; thi thể bị vùi ngay tại chỗ, có là thần linh cũng không tìm ra nổi. Nhưng đó đều là những chuyện xảy ra trước ngày giải phóng, không biết đến giờ có còn nữa không.

    Phan Tử từng là quân nhân nên rất bình tĩnh, tay đã lập tức đặt lên chuôi dao đeo trên thắt lưng, liếc mắt ra hiệu cho tôi. Tôi cũng giữ thật chặt ba lô, đề phòng gặp chuyện bất ngờ, đồ đạc lại rơi xuống nước.

    Đến đây thuyền lại rẽ ngoặt, vẽ ra một đường cong xấp xỉ 180 độ. Lách qua mỏm đá phía đầu thuyền, sơn động đã hiện ra trước mắt. Vừa rồi trong lúc chuyện phiếm chúng tôi còn tưởng tượng ra một cái động đá vôi cao rộng, nào ngờ vừa thấy đã không khỏi kêu một tiếng không ổn. Động này thực sự không thể gọi là sơn động, gọi bằng lỗ nẻ cũng đã quá lắm. Bề rộng chỉ nhỉnh hơn thân thuyền chừng mười phân, nhưng chiều cao của nó còn kinh khủng hơn: nếu ngồi ngay ngắn trên thuyền thì không thể vào được, phải cúi thấp người, gắng gượng lắm mới có thể chui lọt.

    Có câu chuột lớn không chui hốc hẹp, trong không gian chật chội thế này, nếu có người bên trong muốn ám toán thì chúng tôi thực sự không thể chống đỡ. Phan Tử khẽ rủa mấy câu: ”Má nó, động gì mà như cái hang chuột.”

    Trong số những thắng cảnh của vùng núi Nghi Mông có một khe núi ngầm rất nổi tiếng nằm sâu dưới mặt đất, cửa vào của nó rất giống chỗ này. Tôi chắc mẩm đây cũng là một khe nứt đặc trưng của địa hình núi đá vôi, vào trong sẽ thấy vô vàn thạch nhũ chúc ngược xuống, nào ngờ vào rồi mới biết sự thực khác xa tưởng tượng. Hang động này đoạn gần lối vào còn sáng sủa, nhưng qua một khúc ngoặt lập tức trở nên tối đen như mực. Phan Tử bật đèn mỏ, chiếu thẳng về phía trước, chỉ thấy bốn bề vách động trơn bóng ẩm ướt, toát ra một màu xanh lục kì quái, cứ như phủ lên một tầng rêu xanh.

    A Khuê ngẩng đầu, hít một hơi khí lạnh: ”Lão Ba, hang động này không đơn giản đâu. Hình như… nó là một đạo động!”

    Chú Ba đưa tay rờ lên vách đá, vẻ mặt hoài nghi: ”Con bà nó, đúng là đạo động rồi. Cổ viên cận phương (*), xem ra đạo động này niên đại cũng không nhỏ.”

    (*) Cổ viên cận phương: những đạo động cổ bị nước, gió,… xâm thực bào mòn lâu ngày thì những vết đào sẽ mờ dần đi, động trở thành dạng hình tròn. Ngược lại đạo động mới sẽ có hình dáng rõ ràng sắc cạnh, thường là dạng hình vuông.

    Người trung niên kia đang cúi người, quỳ một gối nơi đầu thuyền, một tay chống sào lẳng lặng chèo, nghe chúng tôi nói vậy liền chen ngang: ”Những lời ông anh nói không sai chút nào, xem ra thân phận ông anh cũng không vừa. Ngọn núi chúng ta đang đi qua được gọi là Ngũ Phần Lĩnh (núi năm mộ), trước kia tôi có nghe nói cả tòa núi này kỳ thực là một tòa cổ mộ, xung quanh đây không thiếu những thủy động như thế này.”

    “Haha, xem ra ông cũng là dân trong nghề” Chú Ba khách khí mời gã điếu thuốc.

    Gã lắc đầu, đáp: ”Cái gì mà dân trong nghề chứ, tôi chẳng qua chỉ nghe lại từ những người đã đến đây trước các vị thôi. Nghe nhiều thành quen, thi thoảng thuận miệng nói được dăm ba câu, cũng chỉ biết được những điều đơn giản. Ông anh đừng có nói tôi là dân trong nghề.”

    Tay Phan Tử và Đại Khuê đều đặt lên cán dao, vừa cười cười nói nói, vừa cảnh giác quan sát động tĩnh bốn phía. Thoạt nhìn tôi không hề cảm nhận được bầu không khí này có điểm nào bất ổn, nhưng lòng bàn tay cũng bất giác toát mồ hôi lạnh.

    Chú Ba châm điếu thuốc, rồi hỏi người chèo thuyền chuyện trong động. Gã nói kỳ thực gã cũng không biết chuyện xảy ra thế nào, chỉ biết những bậc tiền bối truyền cho rất nhiều quy tắc. Tỷ như không được nói chuyện lớn tiếng, không được nhìn xuống nước, chỉ cần làm đúng như thế thì sẽ không sao. Mấy đời nhà gã đều nhất nhất tuân thủ, chưa có ai phá giới, cho nên chuyện có thật hay không hắn cũng không rõ.

    Đang trò chuyện, Muộn Du Bình đột ngột khoát tay ra hiệu, nói khẽ: ”Nghe đi! Hình như có tiếng người!” Chúng tôi bị động tác đột ngột này của hắn dọa cho giật mình, lập tức nín thở, quả nhiên nghe được tiếng thì thào từ sâu trong động truyền ra.

    Thanh âm ấy biến ảo khôn lường, vang vọng qua lớp lớp hang động càng gây cho người ta cảm giác phiêu diêu. Tôi chăm chú lắng nghe xem nó nói gì, nhưng chung quy vẫn chỉ nghe được những thanh âm mơ hồ, nửa rõ nửa không.

    Nghe một hồi cũng không nhận ra là tiếng gì, tôi liền hỏi người chèo thuyền trung niên kia xem có phải trong động thường xuyên xuất hiện thứ thanh âm này hay không. Hỏi vài tiếng không thấy ai trả lời, tôi quay đầu nhìn về phía đầu thuyền thì đã không thấy bóng dáng người chèo thuyền đâu.

    Tôi không nén nổi kinh ngạc, kêu lên một tiếng. Nhưng vừa quay đầu lại, quái, lão già kia cũng không còn ở đó nữa.

    “Phan Tử, bọn họ biến đâu mất rồi?” Chú Ba sốt ruột hỏi.

    “Không biết, tôi không nghe thấy tiếng người nhảy xuống nước,” Phan Tử cũng luống cuống, “Vừa rồi cứ như người mất hồn.”

    “Thôi xong, trên người chúng ta không có mùi tử thi, không biết sẽ gặp phải chuyện gì”, Chú Ba trở nên ảo não, “Phan Tử, chú từng đi lính ở Việt Nam, đã nếm qua thịt người chết chưa?”

    “Lão Ba, ông đùa hả. Khi tôi nhập ngũ thì bên kia gần như đã rút hết quân, đến khẩu súng còn chưa động vào.” Phan Tử chỉ chỉ A Khuê: ”Bàn Khuê, chẳng phải anh nói trước đây nhà anh bán bánh bao nhân thịt người hay sao, hồi nhỏ chắc chắn đã ăn không ít.”

    “Láo toét, làm gì có chuyện đó! Bánh bao nhân thịt người chỉ bán cho người khác ăn thôi, anh đã thấy ai bán bánh bao nhân thịt người lại dám ăn chưa?”

    Tôi thấy bọn họ bắt đầu ồn ào, vội khoát tay ra hiệu, nói với bọn họ:“Thôi thôi, tuổi mấy người cộng vào cũng hơn 150 rồi, không thấy mất mặt à!”

    Tôi vừa dứt lời, thuyền bỗng dưng tròng trành, Phan Tử vội cầm đèn mỏ chiếu vào trong nước. Chúng tôi nhìn theo, chỉ thấy một cái bóng rất lớn bơi qua dưới đáy thuyền.

    Bàn Khuê sợ điếng người, chỉ tay vào trong nước, cằm run run hồi lâu cũng không thốt ra được tiếng nào. Chú Ba sợ hắn nghẹn thở mà chết mới tát hắn một cái, quát: “Đồ nhát chết! Con mẹ nó, run cái nỗi gì? Hai thằng nhóc kia còn chưa hé răng, chú mày theo anh bao nhiêu năm rồi mà còn sợ, đáng chết!”

    “Mẹ ôi —– lão Ba, thứ này lớn kinh người! Chỉ e mấy người chúng ta cũng không đủ cho nó lót dạ!” Bàn Khuê vẫn chưa hết hốt hoảng, cứ nhìn chằm chằm vào trong nước. Hắn vốn ngồi ở mép thuyền, vậy mà giờ đây đã tụt vào giữa lòng thuyền, hình như e sợ sẽ có thứ gì đó trong nước đột ngột nhảy lên đớp trúng mông mình.

    “Hừ!” Chú Ba trừng mắt nhìn hắn, “Chúng ta đông người thế này, vả lại Ngô lão tam ta hành nghề đã lâu, còn thứ yêu ma quỷ quái nào chưa gặp? Không có chuyện gì thì chú mày cũng đừng làm anh nổi điên.”

    Phan Tử mặt mày trắng bệch, có điều trông vẻ mặt hắn không giống sợ hãi, mà giống như bị sốc hơn. Trong không gian chật hẹp ấy tự dưng lại có một vật thể lớn xẹt qua dưới nước, nhất thời khiến mọi người giật mình cũng không phải chuyện lạ. Phan Tử ngó quanh bốn phía: ”Lão Ba, động này thực quái dị, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Có chuyện gì ta ra ngoài rồi hãy nói được không?”

    Bàn Khuê lập tức tỏ vẻ đồng tình. Kỳ thực tôi cũng muốn mau mau ra khỏi nơi này, nhưng dù gì cũng là người nhà chú Ba nên phải xem ý chú thế nào rồi mới lên tiếng.

    Không ngờ chú Ba lại quay về phía Muộn Du Bình, dường như muốn dò hỏi ý hắn. Chiếu theo tính tình chú Ba thì dẫu là thiên vương cũng không coi vào đâu, vậy mà với tên này lại có vẻ đặc biệt kiêng dè, làm tôi không khỏi ngạc nhiên.

    Muộn Du Bình căn bản không để tâm nghe chúng tôi nói chuyện, nhưng nét mặt hắn đã không còn đơ đơ như tượng đá. Đôi mắt hắn nhìn chằm chằm vào trong nước, giống như đang tập trung tinh thần tìm kiếm thứ gì đó.

    Tôi định hỏi chú Ba xem rốt cuộc tên này lai lịch thế nào, nhưng hoàn cảnh hiện giờ không thích hợp cho lắm nên đành phải lén hỏi Phan Tử. Nhưng Phan Tử cũng lắc đầu bảo không biết, chỉ biết tên đó thực sự có bản lĩnh. Rồi Phan Tử lại hất cằm chỉ chỉ vào tay hắn, thì thầm: ”Cậu xem, đôi tay thế kia phải mất bao nhiêu năm mới luyện thành?

    Tôi vốn không để ý đến tay hắn, vừa nhìn đã phải ngấm ngầm tán thưởng. Tay hắn có ngón trỏ và ngón giữa đặc biệt dài khiến tôi lập tức liên tưởng đến công phu dùng hai ngón tay thăm dò huyệt động của Phát khâu trung lang tướng (*) thời cổ đại. Tôi từng thấy trong bút ký của ông nội có ghi lại chuyện tương tự như vậy, những cao thủ Phát khâu trung lang tướng có hai ngón tay vững như Thái Sơn, lực đạo phát ra cực lớn, có thể dễ dàng phá hủy những cơ quan rất nhỏ trong huyệt mộ. Mà muốn luyện thành một đôi tay siêu phàm như thế, không luyện từ nhỏ không xong, quá trình luyện tập dĩ nhiên là khổ sở không sao tả xiết.

    (*) phát: đào, khai quật, khâu: mộ phần. Phát khâu trung lang tướng là một chức quan trong quân thời cổ, chuyên đào mộ lấy của cải sung quân. Cụm từ này xuất hiện sớm nhất trong bài hịch kể tội Tào Tháo của Trần Lâm.

    Tôi còn đang băn khoăn không biết hai ngón tay này có gì lợi hại, đã thấy hắn giơ tay phải, nhanh như chớp cắm vào trong nước. Động tác này cực kì nhanh gọn, cơ hồ chỉ thấy một đạo bạch quang lóe lên, tay hắn đã rút về, hai ngón tay dài còn cặp một con bọ đen sì. Hắn ném con bọ vào giữa sàn thuyền, nói: ”Đừng hoảng, vừa rồi là thứ này.”

    Tôi cúi đầu nhìn, không khỏi sửng sốt: ”Đây chẳng phải là con rận nước sao? Nếu thế thì cái bóng khi nãy chỉ là một đàn rận nước bơi qua thôi sao?

    “Phải” Tên kia lau tay lên quần áo.

    Tuy vẫn chưa hết bàng hoàng, nhưng chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Bỗng Bàn Khuê giơ chân đạp con trùng bẹp dí, “Mẹ nó, có thế mà dám dọa lão tử sợ chết khiếp”

    Nhưng tôi ngẫm lại thì thấy không đúng, làm sao lại có nhiều rận nước hoạt động cùng lúc như thế chứ? Vả lại con rận nước này có cái đầu quá lớn! Tôi quay đầu nhìn Muộn Du Bình, nhận ra hắn cũng nghi hoặc nhìn vào trong nước, không biết đang nghĩ gì.

    Bàn Khuê giẫm cho xác con trùng nát bét ra, phỏng chừng là khi nãy thất thố làm chuyện mất mặt nên bây giờ muốn lấy lại thể diện. Chú Ba nhặt lên một cái chân đứt đoạn, đưa lại gần mũi ngửi ngửi, hoảng hốt nói: ”Đây không phải rận nước, đây là con bọ ăn xác (*)” Cái tên này vốn là điềm rủi, chúng tôi nghe thế liền ngẩn người, ai nấy đều cảm thấy bất an.

    (*) Nguyên văn: 尸蹩 (thi biệt) một giống bọ chuyên ăn xác chết sống trong các hầm mộ.

    “Loại trùng này chuyên môn ăn thịt rữa, chỗ nào có sinh vật chết là kéo đàn đến, ăn nhiều thì lớn thêm ra. Xem ra ở đầu nguồn lạch nước này nhất định phải có chỗ tích xác, vả lại quy mô cũng không nhỏ.” Chú Ba nhìn hang động tối đen như mực mà nói.

    “Cái thứ này có cắn người sống không?” Đại Khuê run run hỏi.

    “Nếu là kích thước bình thường thì anh khẳng định nó không cắn người, nhưng chú thử nhìn cái đầu nó xem. Nó có cắn người hay không anh không dám chắc.” Chú Ba bực bội nhìn hắn. “Bình thường thứ này hay tập trung ở chỗ có nhiều xác chết, không hay bơi qua bơi lại, sao ta lại gặp cả bầy cùng nhau di chuyển chứ?”

    Muộn Du Bình đột nhiên quay đầu nhìn vào khoảng không sâu hun hút trong động: ”Theo tôi thấy thì có thể nó liên quan đến thanh âm kì quái chúng ta nghe được khi nãy. Mọi người có ai nghe ra nó là tiếng gì không?”

    Bàn Khuê lắc đầu: ”Tôi căng tai lên cũng không nghe rõ, tựa như có tiếng người rì rầm, nhưng nghe kĩ một chút lại không nghe ra….”

    Muộn Du Bình gật đầu: ”Phải, tựa như có tiếng người khe khẽ thì thào sau lưng… chẳng lẽ có thứ gì đó quanh quẩn đâu đây đang theo dõi chúng ta?”

     
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Thành viên đang xem bài viết (Users: 0, Guests: 0)